Tại buổi khảo sát, Sở Công Thương TP HCM cho biết đã triển khai chương trình kích cầu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp (DN) đổi mới máy móc, thiết bị, mở rộng sản xuất. 16 dự án đã được hỗ trợ lãi vay và 4 dự án đang trình UBND TP. Song song đó, nhiều chương trình được triển khai nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu.
Bốn ngành công nghiệp trọng yếu của TP HCM chưa nhận được sự hỗ trợ và đầu tư tương xứng Ảnh: TẤN THẠNH
Kết quả là động lực tăng trưởng chỉ số công nghiệp (IIP) trong 6 tháng đầu năm rơi vào các ngành trọng yếu, gồm: cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - nhựa - cao su và điện tử - công nghệ thông tin. Bốn ngành trọng yếu đạt tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006-2010 là 14%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 8,8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung và chiếm tỉ trọng tăng dần từ 53% năm 2005 lên 61% năm 2010 và khoảng 60% năm 2016.
Trong từng ngành đều có những DN vươn lên ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, đổi mới phương thức sản xuất, tham gia chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước cũng như xây dựng được thương hiệu mạnh.
Cho rằng 4 ngành công nghiệp trọng yếu chiếm tỉ trọng khá lớn đối với nền kinh tế thành phố nhưng năng suất lao động, sản phẩm làm ra chưa xứng với tiềm năng, ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, dẫn chứng 4 năm qua, tỉ lệ DN thành lập mới trong 4 ngành này rất thấp, cho thấy môi trường, điều kiện phát triển còn hạn chế. Thành phố đã xác định chương trình hành động cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu nhưng sự quan tâm và đầu tư lại chưa tương xứng, các sở - ngành chưa phối hợp tốt trong công tác hỗ trợ DN; tiến độ tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến đất đai, vốn, hạ tầng xã hội theo phản ánh của DN là rất chậm, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và sản xuất, kinh doanh của DN…
Ngay cả chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa di dời theo quy hoạch của TP HCM cũng triển khai chậm. Một số địa phương có vài trăm DN thuộc diện phải di dời nhưng chậm hỗ trợ khiến DN lúng túng vì khó đầu tư mở rộng sản xuất, di dời thì không có chỗ để đến.
Các sở - ngành và Ban Quản lý KCX-KCN TP HCM (Hepza) cũng cho rằng TP HCM cần quyết liệt tháo gỡ những vấn đề liên quan đến mặt bằng để thu hút đầu tư. Theo Hepza, các thay đổi về quản lý đất KCN tại Luật Đất đai có thay đổi theo hướng bất lợi cho nhà đầu tư cơ sở hạ tầng KCN nên thời gian hoàn tất thủ tục pháp lý về đất kéo dài, ảnh hưởng lớn đến quá trình thu hút đầu tư. Ngoài ra, giá cho thuê đất tại các KCX, KCN của thành phố cao hơn các khu vực lân cận, dẫn đến các nhà đầu tư có xu hướng chuyển đến những địa phương này.
DN ngại lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ
Theo quy định của Bộ Tài chính, DN được trích tối đa 10% thu nhập tính thuế hằng năm trước khi tính thuế thu nhập DN để lập quỹ phát triển khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, số liệu mới nhất của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho thấy chỉ 113 DN trên địa bàn báo cáo có lập quỹ này với tổng cộng 1.903 tỉ đồng và chỉ mới 20% trong số đó được sử dụng để phát triển khoa học - công nghệ. TP HCM đang vận động, khuyến khích DN lập và sử dụng quỹ phát triển khoa học - công nghệ nhưng DN tư nhân vẫn không mặn mà với việc này vì họ thích chủ động đầu tư. Trong khi đó, quy định của Bộ Tài chính trước đây lại khá rắc rối, DN hầu như không sử dụng được quỹ. Quy định mới đã thông thoáng hơn nhưng DN vẫn chưa mặn mà lập quỹ.
Bình luận (0)