Cụ thể, trong vòng 3 ngày từ 17 đến 19-12, 250 gian hàng của các doanh nghiệp (DN) trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài được bố trí thành từng cụm trưng bày chi tiết những linh kiện về công nghiệp và CNHT, thu hút rất nhiều DN tham quan, tìm hiểu. Nhiều cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa những DN công nghiệp, CNHT Việt Nam với nhà sản xuất nước ngoài đã được thực hiện, giúp các bên nắm bắt năng lực sản xuất, nhu cầu của nhau để tiến tới bàn bạc phương án hợp tác sâu hơn.
Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, có đến 161 hội chợ, triển lãm trong năm đã bị hủy; số hội chợ, triển lãm đăng ký tổ chức giảm 15,95% so với năm 2019 thì việc tổ chức thành công VSIF, VIMAF 2020 là một nỗ lực lớn của Sở Công Thương TP HCM và những đơn vị phối hợp.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho rằng việc duy trì 2 cuộc triển lãm này và thu hút số lượng DN tham gia trưng bày lẫn tham quan là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực và cố gắng rất lớn của những đơn vị tổ chức, với mục tiêu đẩy mạnh sự liên kết giữa DN sản xuất CNHT của Việt Nam với DN sản xuất đầu cuối, DN nước ngoài đầu tư vào TP; tạo điều kiện và cơ hội cho các DN công nghiệp nói chung và DN CNHT nói riêng mở rộng hợp tác và cùng phát triển. Nhìn rộng hơn, 2 sự kiện này góp phần giúp DN đón đầu cơ hội mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu trước xu hướng dịch chuyển đầu tư của các chuỗi cung ứng toàn cầu trong giai đoạn bình thường mới.
"Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tìm cơ hội kết nối với nhà sản xuất đầu cuối tại Triển lãm VSIF và VIMAF 2020"
Theo ông Đông, việc hỗ trợ DN công nghiệp, CNHT nâng cao năng lực cạnh tranh và kết nối với các DN, tập đoàn sản xuất lớn quốc tế là hoạt động được thực hiện liên tục, xuyên suốt những năm gần đây. Đặc biệt, trong năm 2020, TP đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ DN sản xuất CNHT cải thiện năng lực sản xuất. Trong đó, phải kể đến chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi 50% hay 100% lãi suất giúp DN mở rộng, phát triển dự án đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp. Việc xét duyệt dự án, hồ sơ thủ tục cũng được tinh giản để có thêm nhiều DN tiếp cận được gói vay kích cầu.
Về hạ tầng đầu tư, TP HCM đã dành quỹ đất tại các KCN có vị trí giao thông kết nối thuận tiện với Khu Công nghệ cao TP để xây dựng nhà xưởng cao tầng kết hợp giảm giá thuê đất nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu sản xuất của các DN CNHT. Không dừng lại đó, Khu Công nghệ cao TP đã đầu tư xây dựng 5 khối nhà xưởng cao với tổng diện tích 46.000 m2 và sẽ tăng lên 162.000 m2 trong những năm tới dành cho DN CNHT.
Ông Robert Greenan, Phó Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM, cho hay dịch Covid-19 kéo dài đã và đang thay đổi hoạt động sản xuất - kinh doanh của các tập đoàn toàn cầu. Xu hướng dịch chuyển đầu tư (bao gồm chuỗi cung ứng và DN FDI sản xuất sản phẩm đầu cuối) từ Trung Quốc sang một số thị trường, trong đó có Việt Nam, đang dần rõ nét. Do đó, DN Việt cần có sự chuyển đổi linh hoạt hơn để chủ động nắm bắt cơ hội gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bản thân các DN CNHT trên địa bàn TP HCM cũng đã nhận ra thời cơ vàng để trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều DN cho rằng việc gia nhập chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT toàn cầu không quá khó, quan trọng là phải nỗ lực hơn nữa để tận dụng chính sách hỗ trợ, củng cố nội lực để tham gia cung ứng sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Bình luận (0)