Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong năm 2020 nên lũy kế 11 tháng đầu năm chỉ số IIP ước giảm 4,4% (cùng kỳ tăng 7,4%); trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 0,4% (cùng kỳ tăng 6,2%). Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, đánh giá đây là điểm đáng khích lệ trong tình hình sản xuất kinh doanh còn khó khăn, 4 ngành công nghiệp trọng yếu tiếp tục là động lực phát triển của toàn ngành công nghiệp TP.
Cụ thể, ước tính trong 11 tháng, chỉ số sản xuất ngành điện tử 19,8%; ngành hóa dược - cao su - nhựa tăng 5,2%. Hai ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống và cơ khí do thị trường chưa phục hồi, tiêu thụ chậm nên chỉ số sản xuất giảm lần lượt là 1,3% và 13,4%.
Ngành chế biến thực phẩm sẽ xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm
Cũng theo ông Vũ, trong tháng 11, Sở Công Thương đã tham mưu UBND TP tiêu chí và danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và nhóm sản phẩm công nghiệp tiềm năng của TP giai đoạn 2021-2025. Sở này đồng thời triển khai hoạt động các hội đồng phát triển các ngành công nghiệp TP; xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) và sản phẩm cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm TP giai đoạn 2020 - 2030. Trong đó, với ngành cao su - nhựa: xác định danh mục sản phẩm chủ lực để có giải pháp thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển đúng trọng tâm, trọng điểm; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, thí nghiệm và Kiểm nghiệm sản phẩm ngành cao su - nhựa đạt chuẩn quốc tế; đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm nhựa tái chế, nhựa phân hủy sinh học, nhựa y tế nhằm nâng cao giá trị gia tăng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường... Với ngành cơ khí, xác định danh mục sản phẩm cơ khí - tự động hóa chủ lực có khả năng cạnh tranh, thay thế sản phẩm nhập khẩu và hình thành một số DN cơ khí mang tầm quốc tế; xây dựng chính sách khuyến khích đầu tư, chuyển giao công nghệ nhằm hiện đại hóa máy móc, thiết bị và trình độ công nghệ cho các DN của ngành trên địa bàn; hình thành các chuỗi sản xuất, phát triển sản phẩm, phụ tùng cho sản phẩm cơ khí nông nghiệp; ôtô và thiết bị nâng hạ; kết cấu thép, kết cấu hạ tầng giao thông, cầu cảng, đường sắt, metro và ngành chế tạo máy móc thiết bị tự động phục vụ cho các ngành công nghiệp. Với ngành chế biến thực phẩm, sẽ xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm, bảo đảm chất lượng và bảo vệ môi trường trong ngành chế biến thực phẩm; hình thành hệ thống kho lạnh, kho dự trữ phục vụ nhu cầu bảo quản, sơ chế biến nông hải sản, thực phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; xây dựng và quảng bá một số thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới, nhất là các ngành có lợi thế cạnh tranh (thủy sản, dầu thực vật, sản phẩm từ bột).
Triển lãm VSIF và VIMAF 2020
Triển lãm Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF) và Triển lãm Quốc tế máy móc - thiết bị công nghiệp tại Việt Nam (VIMAF) 2020 với quy mô 250 gian hàng do Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP HCM và COEX Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra từ ngày 17 đến 19-12 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (TP HCM).
Triển lãm lần này sẽ phân chia các khu vực trưng bày, bao gồm cụm gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp - công nghiệp hỗ trợ của DN trong và ngoài nước; cụm gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của TP HCM; cụm gian hàng trưng bày nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực TP HCM. Ngoài ra, còn có cụm gian hàng trưng bày sản phẩm chuyên ngành công nghiệp hỗ trợ của các DN có năng lực cung ứng triển vọng của TP HCM…
Trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức sẽ bố trí khu vực kết nối B2B; tổ chức hội thảo chủ đề "Cơ hội đón đầu làn sóng đầu tư mới của DN Việt Nam sau đại dịch Covid-19"…
P.An
Bình luận (0)