xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cung ứng hàng hóa cho TP HCM đã tạm ổn

Thanh Nhân - Phan Anh

Lượng khách đến mua sắm trực tiếp tại các siêu thị, cửa hàng giảm đáng kể so với những ngày trước

Đến chiều 19-7, các doanh nghiệp (DN) phân phối tại TP HCM đã "thở phào" vì áp lực thiếu nguồn cung hàng hóa cho thị trường gặp khó khăn do cả khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ cùng thực hiện Chỉ thị 16 đã được tháo gỡ.

Người dân ngừng mua gom

Tại buổi họp báo của tổ công tác chiều 19-7, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho hay ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định giãn cách xã hội toàn khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ, ngành công thương đã có một số phương án chuẩn bị nguồn hàng trong điều kiện tất cả các địa phương siết chặt phòng chống dịch bệnh. "Qua theo dõi, đặc biệt trong ngày hôm nay, cho thấy áp lực phân phối đã tạm ổn. Lượng hàng các DN chuẩn bị tăng mỗi ngày, TP cũng đã triển khai nhiều phương án phụ trợ để tăng nguồn cung ứng hàng hóa với hàng trăm điểm bán hàng lưu động, bán thực phẩm giá bình ổn đã cung cấp thêm nhiều địa chỉ mua sắm thực phẩm cho người dân" - ông Phương nói.

Cung ứng hàng hóa cho TP HCM đã tạm ổn - Ảnh 1.

Một trong 2 chuyến tàu cao tốc đầu tiên chở hàng hóa, nông sản từ ĐBSCL về TP HCM trong ngày 19-7. Ảnh: THANH LONG

Cũng theo ông Phương, trong ngày, 2 chuyến tàu cao tốc đầu tiên chở thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh miền Tây đã cập bến Bạch Đằng (quận 1), mở ra thêm 1 con đường vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP HCM. "Đã có tình trạng dư thừa hàng hóa tại nhiều điểm bán hàng lưu động. Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nguồn cung hàng hóa cho TP HCM đã dồi dào hơn" - ông Phương bày tỏ.

Về công tác chuẩn bị nguồn hàng, đại diện Sở Công Thương TP cho biết trước khi các địa phương thực hiện Chỉ thị 16, việc thu mua, vận chuyển hàng hóa về TP HCM đã gặp vài khó khăn do một số địa phương áp dụng các hướng dẫn của bộ, ngành một cách máy móc, cứng nhắc. "Chúng tôi rất lo lắng khi các tỉnh cùng thực hiện Chỉ thị 16. Việc đầu tiên phải làm là rà soát lại nguồn cung ứng; yêu cầu các DN báo cáo ngay với sở các khó khăn, các khả năng làm giảm nguồn cung… nhưng với nỗ lực của hệ thống phân phối cũng như mạng lưới thu mua của các DN đã đáp ứng nhu cầu. DN cũng đã kết nối với các nhà cung cấp dự phòng để tiếp tục bảo đảm nguồn cung" - ông Phương chia sẻ.

Theo quan sát của các hệ thống bán lẻ, lượng hàng hóa trong từng giỏ hàng của người tiêu dùng trong ngày cũng đã giảm mạnh, không còn hiện tượng mua gom như những ngày trước. Cũng nhờ áp lực phục vụ tại chỗ được giải tỏa, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm có nhiều thời gian tiếp nhận và thực hiện đơn hàng online. "Đơn đặt hàng online gửi về hệ thống vẫn nhiều, tương đương những ngày trước nhưng tiến độ xử lý đã nhanh hơn. Đặc biệt, với các đơn đặt hàng combo, do bộ phận hậu cần của siêu thị đã chuẩn bị sẵn nên thời gian giao hàng nhanh hơn so với đơn hàng thông thường" - đại diện MM Mega Market thông tin.

Nối lại chuỗi cung ứng thực phẩm

Theo cơ quan quản lý ngành công thương TP, giải pháp căn cơ để nối lại chuỗi cung ứng hàng hóa thực phẩm cũng đã được TP triển khai. Cụ thể, chiều 19-7 Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thắng đã ký văn bản triển khai việc xem xét mở cửa trở lại hoạt động một số chợ truyền thống, trước mắt tập trung vào thí điểm thực phẩm tươi sống thiết yếu để trên cơ sở đó nhân rộng. Sở Công Thương đã có hướng dẫn về phương án tổ chức kinh doanh thực phẩm tươi sống, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đặt lịch và quản lý khách đi chợ, bảo đảm an toàn phòng chống dịch. Các quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đang xây dựng phương án và sẽ sớm tổ chức mở lại thêm nhiều chợ trên địa bàn.

Trong văn bản chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng yêu cầu TP Thủ Đức và các quận, huyện tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng tổ chức hoạt động, thực hiện đầy đủ các phương án phòng chống dịch Covid-19 của các chợ đang hoạt động và nhanh chóng xây dựng phương án tổ chức các điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng tươi sống tại các chợ đang tạm ngưng hoạt động; trong đó chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng chống dịch để bảo đảm việc cung ứng hàng hóa cho nhân dân địa phương được nhanh chóng, kịp thời và an toàn. Phương án gửi về UBND TP (thông qua Sở Công Thương) trước ngày 23-7.

"Đến sáng 19-7, toàn TP chỉ 40 chợ hoạt động; đến chiều đã tăng lên 44 chợ. Trong đó, quận Bình Tân đã mở cửa trở lại 5 chợ. Với sự chỉ đạo của UBND TP, tiến độ mở cửa chợ trở lại sẽ được đẩy nhanh; các hệ thống bán lẻ hiện đại cũng đã điều phối lại các phương án bán hàng trực tuyến, trực tiếp… ưu tiên cho phương thức bán hàng theo combo nhằm giảm được thời gian cho lực lượng hậu cần và thời gian mua sắm cho người dân; Bách Hóa Xanh đã mở 35 điểm bán phục vụ 24/24 giờ…" - ông Nguyễn Nguyên Phương nêu và cho biết áp lực về cung ứng hàng hóa đã giảm nhiều. 

Do đó, trong thời gian tới, cơ quan quản lý thị trường TP sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm đối với hành vi đầu cơ, găm giữ hàng hóa, vi phạm về giá bán, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm chất lượng... đối với các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng có nhu cầu cao trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Không để hụt nguồn cung do sản xuất gián đoạn

Chiều 19-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo bộ và giám đốc các Sở NN-PTNT các tỉnh phía Nam về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định đến thời điểm này sản xuất lương thực, nông sản cơ bản đáp ứng được nhu cầu và sẽ nỗ lực bảo đảm nhu cầu cho người dân trong mọi tình huống.

"Chúng tôi sẽ làm việc với các ngành liên quan, tháo gỡ khó khăn tại các chốt kiểm dịch để không chỉ nông sản được lưu thông mà vật tư nông nghiệp (thức ăn chăn nuôi, phân bón…) cũng được vận chuyển dễ dàng để duy trì sản xuất, không bị hụt nguồn cung trong thời gian tới. Ngoài ra, các địa phương nên quan tâm xúc tiến thương mại điện tử như các tỉnh phía Bắc vừa qua đã thực hiện rất thành công" - Thứ trưởng lưu ý.

Đại diện Sở NN-PTNT Long An cho biết các DN sản xuất theo mô hình chuỗi từ sản xuất đến bán lẻ như: Masan, San Hà, Ba Huân đã tăng sản lượng lên 3, 4 lần trong lúc các đơn vị cung ứng cho chợ đầu mối hầu hết phải đóng cửa. Điều này cho thấy vai trò rất lớn của việc sản xuất theo chuỗi khép kín.

Đại diện TP Cần Thơ kiến nghị các địa phương khi thực hiện Chỉ thị 16 không nên đóng cửa chợ truyền thống vì đây là kênh tiêu thụ hàng hóa do nông dân sản xuất. Do nông dân sản xuất chỉ có giấy cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm nên không thể cung cấp vào siêu thị.

N. Ánh

Hà Nội cung ứng đủ hàng hóa

Ngày 19-7, mặc dù TP Hà Nội áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn nhưng không xảy ra tình trạng khan hàng thổi giá, người dân cũng không đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Tại siêu thị Big C Thăng Long, hàng hóa được lấp đầy các kệ ngay từ sáng sớm. Các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả được bố trí số lượng lớn trên các kệ hàng để phục vụ nhu cầu của người dân. Các mặt hàng khác như mì gói, đồ uống, giấy vệ sinh được cung ứng dồi dào, người dân hoàn toàn yên tâm, không cần mua hàng tích trữ. Tại quầy lương thực, gạo được siêu thị cung ứng đa dạng về chủng loại, vẫn áp dụng chương trình khuyến mãi như những ngày trước đây.

Còn theo ghi nhận tại chợ Nhổn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), công tác phòng chống dịch cũng được bảo đảm, tiểu thương tuân thủ quy định 5K khi bán hàng tại chợ. Khu vực bán thực phẩm tươi sống như thịt, cá đều đầy ắp hàng hóa, giá bình ổn. Các mặt hàng rau xanh, trái cây liên tục được vận chuyển đến chợ để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thông tin thêm về tình hình cung ứng hàng hóa, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết hiện các DN đã dự trữ lượng hàng thiết yếu tăng từ 30%-50% so với bình thường, đồng thời bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán xuyên đêm.

"Các DN đang thực hiện dự trữ lượng hàng hóa trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỉ đồng (15 mặt hàng thiết yếu) và lượng hàng hóa dự trữ cho chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỉ đồng" - bà Lan cho hay.

Sở Công Thương Hà Nội cũng sẵn sàng phương án huy động 236 xe tại các quận, huyện, cùng với nhà cung cấp đưa hàng kịp thời đến các điểm bán. Sở Công Thương Hà Nội khuyến cáo người dân yên tâm không dự trữ hàng hóa, hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh, TP bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân.

M.Chiến

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo