Thay tên, đổi chủ
Năm 2014, Kinh Đô đã bán đến 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelẽz International (Mỹ) với giá 370 triệu USD (tương đương 7.846 tỉ đồng tại thời điểm đó). 20% còn lại vừa bán vào tháng 8.2016 trị giá 2.000 tỉ đồng.
Như vậy, thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng của doanh nghiệp (DN) trong nước mang tên Kinh Đô, sở hữu hàng loạt nhãn hàng bánh quy giòn AFC, bánh bông lan Solite, bánh quy Cosy, bánh trung thu... chính thức thành DN có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà sáng lập thương hiệu Kinh Đô thời đó luôn khẳng định đây là chiến lược kinh doanh mang tính chủ động của DN chứ hoàn toàn không bị nhà đầu tư ngoại thâu tóm như một số nhãn hàng Việt khác.
Cũng cần nói thêm, liên quan đến câu chuyện mua bán sáp nhập (M&A), năm 2013, Kinh Đô cũng đã thâu tóm thành công Công ty cổ phần bánh kẹo Vinabico (thương hiệu được thành lập từ năm 1974). Từ công ty cổ phần, Vinabico trở thành Công ty TNHH MTV sau khi Kinh Đô thâu tóm. Sau sáp nhập, Vinabico cũng không còn tư cách pháp nhân độc lập từ đầu năm 2015.
Mondelēz International tuyên bố đây là khoản đầu tư quan trọng với mục đích nâng vị thế và là chiến lược phát triển quan trọng của tập đoàn tại khu vực châu Á. Cho đến nay, thương vụ M&A này được coi là có quy mô lớn nhất trong ngành bánh kẹo tại thị trường nội địa.
Trước đó, một thương hiệu bánh kẹo Việt là Bibica cũng nằm trong vòng xoáy thâu tóm của nhà đầu tư ngoại. Khác với thương vụ Kinh Đô - Mondelēz International theo hình thức “tự nguyện” tìm đối tác để bán, thương vụ Bibica - Lotte (Hàn Quốc) từng tốn không ít giấy mực của báo giới và được ví như cuộc chiến thâu tóm đầy quyết liệt. Sau nhiều năm miệt mài tăng mua cổ phần, đấu tranh quyết liệt để ngồi vào ghế HĐQT công ty, đến nay, HĐQT Công ty Bibica có 2 người Hàn Quốc: Chủ tịch HĐQT và một thành viên HĐQT. Đối tác từ Hàn Quốc đã trở thành cổ đông lớn nhất, đại diện 44% vốn điều lệ của công ty, nắm quyền tự quyết nhiều vấn đề tại DN này.
Hụt hơi và biến mất
Có thể nói, các thương hiệu bánh kẹo lớn của VN đang dần được thay tên đổi chủ hoặc biến mất trong 5 năm trở lại đây. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, thị trường bánh quy tại VN đang tăng trưởng ở mức 7%. Một dự báo của BMI cũng cho thấy đến năm 2018, doanh thu bánh kẹo Việt đạt khoảng 40.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, với sự biến mất dần các thương hiệu bánh kẹo lớn, miếng bánh thị phần của thị trường bánh kẹo hấp dẫn và phong phú đã thuộc về tay nhà đầu tư ngoại. Đây là hệ quả từ cạnh tranh gay gắt không thể tránh khỏi trong bối cảnh hội nhập.
Theo lãnh đạo cao cấp một DN bánh kẹo lớn trong nước, ngành bánh kẹo Việt bị biến mất hoặc “chết yểu” do hụt hơi trong quá trình cạnh tranh ngay trên sân nhà. “Một điểm quan trọng của ngành hàng này là nguyên vật liệu như bột mì, đường... để làm bánh đều nhập với tỷ trọng khá lớn. Đó là chưa tính hương liệu, bơ, kem cũng nhập. Thế nên, rất khó cạnh tranh về giá và chất lượng với hàng ngoại.
Thứ nữa, DN trong nước đã hụt hơi trước đòi hỏi cấp bách của thị trường là phải đổi mới công nghệ. Với các tập đoàn cùng ngành từ nước ngoài đến, họ có sẵn công nghệ hiện đại, thường là đặt mối liên doanh cùng phát triển, nhưng đa số nằm trong chiến lược mở rộng đầu tư, chiếm thị phần và thay thế sản phẩm, nhãn hàng trong tương lai”, DN này phân tích.
Như vậy, sau các cuộc M&A, một lần nữa, bánh kẹo nội đã thực sự teo tóp hoặc mất dần nhiều thương hiệu lớn trong cơn lốc hội nhập sâu.
Bình luận (0)