Ngày 20-9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã tổ chức hội thảo "Tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế)". Nội dung quan trọng được tập trung thảo luận là dự thảo đề xuất xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương của đặc khu kinh tế theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không có UBND và HĐND). Thay vào đó, chính quyền địa phương là trưởng đặc khu kinh tế, có bộ máy giúp việc và phân cấp rất mạnh ngay trong luật.
Tránh tỉnh nào cũng có đặc khu
GS Nguyễn Đăng Dung đánh giá tại Việt Nam, tính cát cứ của các địa phương rất lớn. Nếu để đặc khu kinh tế trực thuộc cấp tỉnh như dự thảo thì lo rằng sau này, các địa phương còn lại đều muốn lập đặc khu, như chuyện tỉnh nào cũng muốn có sân bay, cảng nước sâu. Do đó, đặc khu kinh tế nên trực thuộc trung ương.
Phú Quốc (Kiên Giang) sẽ trở thành 1 trong 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam Ảnh: HOÀNG TUẤN
PGS Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển, đồng ý về nguyên tắc cần có cơ chế ưu đãi đột phá cho các đặc khu kinh tế, đặc biệt là trao quyền mạnh mẽ cho trưởng đặc khu. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đều nằm ở vị trí rất nhạy cảm về chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng và môi trường. Ưu đãi về thời hạn thuê đất cho nhà đầu tư là 70 năm, 99 năm, làm thế nào để yên tâm đặc khu trưởng quyết định các dự án đầu tư như thế, hay bảo đảm các nhà đầu tư nước ngoài "không xây tường kín mít rồi trong đó, người lao động nước ngoài dày đặc, biến đặc khu thành một đơn vị ngoại bang trong lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, phải có chính sách công khai về phát triển hạ tầng, chỗ nào đầu tư BOT, chỗ nào huy động vốn ngân sách nhà nước vì hệ lụy BOT đang rất lớn".
Bàn về nội dung đề xuất của Bộ KH-ĐT xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương của đặc khu kinh tế, PGS Hoàng Ngọc Giao đề nghị cần có tư duy đột phá, vẫn tổ chức HĐND ở đặc khu nhưng hội đồng này phải khác hẳn thông lệ. Trưởng đặc khu do dân bầu trực tiếp, không tham gia HĐND.
Theo PGS Hoàng Ngọc Giao, cần quy định rõ vai trò, vị trí của trưởng đặc khu kinh tế như một giám đốc điều hành thúc đẩy con thuyền kinh tế đi lên, không được làm chính sách, không được phê duyệt các vấn đề quan trọng như môi trường... thì mới bảo đảm minh bạch. "Quan trọng là phải quy định rõ cơ chế bổ nhiệm, bãi nhiệm đối với trưởng đặc khu. Nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả, lợi ích nhóm dễ dàng len lỏi vào đây, đặc khu kinh tế trở thành 3 miếng mồi ngon. Nếu luật không quy định chặt vấn đề này thì sẽ là cơ hội tốt để nhóm lợi ích tiếp tục lợi dụng" - ông nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nhìn nhận cơ chế kiểm tra, giám sát là rất quan trọng. Trao quyền lớn mà cơ quan giám sát không đủ địa vị, khả năng thì tình trạng lạm quyền và hệ lụy phải lường trước.
Phải vượt lên tư duy thông thường
Rút kinh nghiệm từ thực tế xây dựng cơ chế đặc biệt cho TP HCM và kinh nghiệm 15 năm bàn việc phát triển đặc khu kinh tế nhưng đến nay vẫn "giẫm chân tại chỗ", Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên khẳng định luật cho đặc khu kinh tế phải thoát khỏi những trói buộc của thông lệ tổ chức chính quyền hành chính hiện hành để có ưu đãi vượt trội. Chính quyền địa phương tại đặc khu cần được xây dựng. "Vượt lên tư duy thông thường, nếu lại cứ cơ chế lãnh đạo tập thể như ở các địa phương khác thì khó làm việc, bị ràng buộc kinh khủng" - ông Thiên nhìn nhận.
Quan điểm xây dựng luật là làm đặc khu kinh tế không phải để thu hút đầu tư trong nước mà để hút về những nguồn lực cao nhất của thế giới, những nhà đầu tư hạng nhất, những công nhân hạng nhất, tạo được sức cạnh tranh với Hồng Kông, Macau, Thâm Quyến. "Xây dựng đặc khu không phải là cơi nới quy định và hạ tầng để lấy đất đặt nhà máy, giải quyết lao động phổ thông. Việt Nam muốn có đặc khu thì phải suy nghĩ là mình đang cạnh tranh với các đặc khu khác trong khu vực và trên thế giới. Nghĩa là phải tư duy câu cá lớn, hình thành thể chế sao cho hấp dẫn các nhà đầu tư hạng nhất trên thế giới vào. Tôi cho rằng đặc khu phải được trao quyền và chịu trách nhiệm cao. Ngân sách của đặc khu phải độc lập mới giữ được quyền lực. Ngân sách mà chạy lên xin tỉnh thì không được" - ông Trần Đình Thiên cảnh báo.
Trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4
Ông Hoàng Thanh Tùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục ghi nhận ý kiến của chuyên gia, người dân góp ý vào dự thảo luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để hoàn thiện trình Chính phủ.
Theo kế hoạch, dự thảo luật sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10-2017 và dự kiến thông qua tại kỳ họp tháng 6-2018.
Bình luận (0)