"Hiện Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) đang thu mua hàng hóa của gần 30 nhà cung cấp của Tây Ninh với đa dạng chủng loại, đặc biệt là các mặt hàng nông sản thiết yếu với tổng sản lượng khoảng 600 tấn/năm, giá trị gần 50 tỉ đồng. Mục tiêu năm 2023 sẽ tiêu thụ 1.000 tấn sản phẩm, giá trị 100 tỉ đồng và đến 2025 tăng lên mức 1.300 tấn sản phẩm, giá trị 250 tỉ đồng" - ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, phát biểu tại Hội nghị ký kết cung ứng sản phẩm của các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh và Saigon Co.op.
Hội nghị trên diễn ra chiều 5-6 tại Văn phòng Tỉnh ủy Tây Ninh.
Theo ông Đức, kết nối với tỉnh Tây Ninh là hoạt động chiến lược của Saigon Co.op nhằm thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154 của Chính phủ và triển khai một cách chuyên nghiệp hoạt động giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành với TP HCM, từ đó vươn ra thị trường quốc tế.
Đại diện Saigon Co.op ký kết hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh
Hoạt động này cũng hỗ trợ đắc lực việc quy hoạch vùng nguồn nguyên liệu, phát huy thế mạnh của địa phương, thúc đẩy không ngừng nâng cao chuẩn mực hàng hóa trong khu vực, hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Thành Tâm, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, cho biết việc ký kết giữa Saigon Co.op với các doanh nghiệp cung ứng của tỉnh là cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp nâng cao năng lực cung ứng. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của lãnh đạo UBND TP HCM và Saigon Co.op trong việc chuẩn hóa tiêu chuẩn sản xuất, phân phối... tỉnh Tây Ninh không chỉ có cơ hội phát triển thị trường trong nước mà còn mở rộng ra thị trường quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường (giữa) tham quan gian hàng đặc sản Tây Ninh tại Co.opmart Tây Ninh
Lãnh đạo Saigon Co.op kiến nghị chính quyền tỉnh tạo điều kiện cho Saigon Co.op mở rộng, phát triển mạng lưới bán lẻ trên địa bàn tỉnh, bao gồm siêu thị Co.op mart, cửa hàng Co.op Food và trung tâm thương mại Sense City.
Cùng với đó là phối hợp, hỗ trợ Saigon Co.op thực hiện quy hoạch lại nguồn nguyên liệu, phân công hóa rõ ràng, minh bạch, phát huy thế mạnh của các đối tác, nhà cung cấp tại tỉnh theo quy hoạch phát triển đặc sản vùng miền, cam kết cụ thể nhằm gia tăng sản lượng tiêu thụ; kết nối ngành nghề hướng đến phát triển bền vững….
Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Tây Ninh, cho biết toàn tỉnh có 68 sản phẩm OCOP. Dù có khá nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm đặc trưng của tỉnh nhưng đến nay, việc phát triển các thương hiệu đặc sản của Tây Ninh đặc biệt là sản phẩm OCOP còn những khó khăn do.
"Hy vọng sau hội nghị này, các doanh nghiệp/đơn vị sản xuất trong tỉnh sẽ lan tỏa tinh thần sản xuất mới, phương thức sản xuất mới với nền tảng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị sản phẩm, tham gia sâu hơn vào hệ thống phân phối hiện đại" - ông Thắng nói.
Bình luận (0)