Liên tục những ngày gần đây, hình ảnh ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8 có mặt tại trạm xăng dầu Thăng Long, đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng đã tạo sức lan tỏa mạnh. Sự xuất hiện của tập đoàn bán lẻ xăng dầu Nhật với phong cách bán hàng và sự chính xác được nhiều khách hàng kỳ vọng sẽ tạo thế cục mới trên thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam, tạo ra sức ảnh hưởng với những trạm xăng hiện tại.
Ông Hiroaki Honjo cho rằng, việc lấn sân sang lĩnh vực bán lẻ xăng dầu sẽ góp phần cung cấp nguồn xăng dầu ổn định cho thị trường Việt Nam, nơi mà nhu cầu dầu khí sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai. Sau trạm xăng đầu tiên được mở tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội), doanh nghiệp này sẽ lên kế hoạch mở rộng mạng lưới tại các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Nam.
"Việc có nhiều đại gia năng lượng ngoại 'nhòm ngó' vào thị trường bán lẻ xăng dầu là hoàn toàn bình thường. Thị trường càng có sự cạnh tranh bao nhiêu thì người tiêu dùng càng được lợi bấy nhiêu. Các doanh nghiệp nội địa buộc phải chuyển mình", chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét.
Idemitsu Kosan sẽ còn nhiều việc phải làm nếu muốn chen chân giành thị phần trong bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam.
Trong 15 năm qua, mức tiêu thụ xăng dầu nhìn chung tăng song song với GDP. Từ 2002-2010, tiêu thụ xăng dầu trung bình tăng 9% nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh và trước đó ở mức thấp. Sau đó, tiêu thụ xăng dầu giảm trong 2 năm 2011 và 2012 chủ yếu do kinh tế gặp khó khăn. Và trong 4 năm gần đây tiêu thụ xăng dầu đã phục hồi theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Theo ước tính của nhiều tổ chức nghiên cứu, mức tiêu thụ xăng dầu của Việt Nam còn có thể tăng mạnh vì hiện vẫn còn thấp. Globalpetrolprices cho biết mức tiêu thụ xăng dầu trên đầu người tại Việt Nam là 0,21 lít mỗi ngày, chỉ bằng 67% mức tiêu thụ của các nước láng giềng như Thái Lan và Indonesia, và chưa đến 20% mức tiêu thụ của Malaysia.
Việc Idemitsu Q8 lấn sân vào phân khúc bán lẻ cũng vì thế được giới chuyên gia nhận xét sẽ đem lại thế cân bằng, mở ra sự cạnh tranh thực sự trên thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, với quy mô hiện tại của thị trường đã lên tới 14.000 trạm xăng, để chen chân vào miếng bánh thị phần bán lẻ xăng dầu với đại gia Nhật sẽ không dễ dàng.
Trong báo cáo phân tích, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng ngành phân phối xăng dầu có đặc điểm là nếu có mạng lưới phân phối rộng lớn hơn thì sẽ có lợi thế, bởi người tiêu dùng sẽ có khuynh hướng tìm kiếm sự tiện lợi, không mua xăng dầu tại một trạm nào đó chỉ vì giá rẻ.
"Vì vậy, cạnh tranh gay gắt trên thị trường này nằm trong khâu tìm kiếm và gia tăng số lượng tổng đại lý và đại lý nhằm mở rộng mạng lưới phân phối", báo cáo của VCSC đánh giá.
Theo ước tính Việt Nam hiện có 14.000 trạm xăng dầu trên cả nước, trong đó 11.000 trạm do đại lý sở hữu - vận hành và khoảng 3.000 trạm do thương nhân phân phối hoặc tổng đại lý sở hữu trực tiếp.
Trong số này, Petrolimex hiện đang dẫn đầu về quy mô 5.200 trạm, chiếm khoảng 48% tổng thị phần cung ứng, đứng sau là PVOil, Thanh Lễ và Saigon Petro với số trạm xăng lần lượt là 3.000, 1.150 và 1.000 trạm.
Trong bối cảnh Idemitsu mở trạm xăng đầu tiên tại Hà Nội, thì các đối thủ chính trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu vẫn liên tục đẩy mạnh thị phần thông qua việc mở mới trạm xăng trên toàn quốc. Trong 6 tháng 2017, Petrolimex đã mở xấp xỉ 36 trạm xăng thuộc quản lý trực tiếp, so với dự phòng 100 trạm xăng mới trong năm 2017 của VCSC.
Cũng theo đánh giá của công ty chứng khoán này, việc cấp phép cho liên doanh Kuwait Petroleum International (KPI) và Idemitsu Kosan được nhập khẩu, bán buôn và bán lẻ nhiên liệu thành phẩm tại Việt Nam có thể là một điều chưa có tiền lệ đối với một công ty hoàn toàn thuộc sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp trong ngành cho biết các đối thủ mới sẽ rất khó có thể thiết lập mạng lưới phân phối.
Thị phần các đối thủ trong lĩnh vực phân phối xăng dầu. Ảnh: VCSC |
|
Một thách thức khác với đại gia của Nhật trên thị trường phân phối, bán lẻ xăng dầu là giá nguyên liệu đầu vào, từ đó tác động đến giá vốn hàng bán và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận.
Giá vốn hàng bán trong ngành xăng dầu bao gồm chi phí nhập khẩu/mua xăng dầu, thuế và vận chuyển, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế môi trường và đóng góp vào Quỹ bình ổn Giá xăng dầu. Trong số này, thuế và phí chiếm xấp xỉ 50% tổng chi phí giá vốn.
Là trường hợp đặc biệt, lần đầu tiên một đơn vị nước ngoài được cấp phép tham gia trên thị trường bán lẻ xăng dầu, đặc quyền này có được với Idemitsu nhờ đơn vị này sở hữu 35% vốn góp tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) và việc bán lẻ xăng dầu sẽ tiêu thụ trực tiếp sản phẩm từ tổ hợp này. Hay nói cách khác, Idemitsu sẽ bị giới hạn nguồn cung cấp sản phẩm từ Nghi Sơn thay vì đa dạng nguồn hàng như những thương nhân phân phối khác.
Như trường hợp của Petrolimex, đơn vị này có thể mua nguyên liệu đầu vào qua 3 kênh khác nhau là Nhà máy lọc dầu Bình Sơn (chiếm 35% tổng sản lượng bán), nhập khẩu thông qua cảng Vân Phong (khoảng 25%) và nhập khẩu trực tiếp từ các nước khác như Singapore, Malaysia, Thái Lan... (chiếm 40%).
Thách thức này sẽ khiến áp lực duy trì lợi nhuận của Idemitsu lớn hơn nhiều so với các đối thủ khác trong nước. Như trường hợp Petrolimex, theo tính toán của VCSC, mức lợi nhuận gộp chỉ khoảng 1.200-1.300 đồng mỗi lít xăng bán ra. Nhưng con số này với Idemitsu có thể sẽ thấp hơn nhiều.
Bình luận (0)