Nếu như ở kênh bán lẻ hiện đại, một số nhà bán lẻ lớn của Việt Nam đang giằng co quyết liệt với các tập đoàn bán lẻ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì trên "mặt trận" online, doanh nghiệp (DN) nội địa xuất phát sau, thua kém về tài chính, nền tảng công nghệ… đành chấp nhận "trâu chậm uống nước đục".
Liên tục rót vốn, tung khuyến mãi
Theo số liệu nghiên cứu về kinh tế số, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2015 có quy mô 0,4 tỉ USD, năm 2017 tăng vọt lên khoảng 4 tỉ USD và dự báo sẽ đạt 7,5 tỉ USD vào năm 2025. TMĐT Việt Nam với mức tăng trưởng khoảng 35% đang là miếng bánh vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Trong cuộc đua chiếm thị phần bán lẻ trực tuyến, những "gã khổng lồ" hàng xóm đã nhanh chân bao trọn thị phần. Theo đó, 3 "ông lớn" đến từ Trung Quốc là Alibaba, Tencent và JD.com đã có mặt tại Việt Nam. Sớm nhất là Shopee, một công ty con của Công ty Thương mại điện tử và Game SEA với cổ đông lớn nhất là Tencent (Trung Quốc) gia nhập thị trường TMĐT Việt Nam từ tháng 8-2016.
Các doanh nghiệp thương mại điện tử so kè quyết liệt để lôi kéo khách hàng và giành giật thị phần bằng hàng loạt
chương trình khuyến mãi, giảm giá lớn. (Ảnh chụp màn hình)
Kế đến, vào tháng 6-2017, Tập đoàn Alibaba của tỉ phú Trung Quốc Jack Ma rót 1 tỉ USD để nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần tại Công ty Lazada (công ty mẹ của Lazada Việt Nam) lên 83%, qua đó chính thức đặt chân vào thị trường bán lẻ online ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mới đây nhất, tháng 11-2017, tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc JD.com cũng rót tới 44 triệu USD vào công ty bán lẻ trực tuyến Tiki (Tiki trước đó là công ty liên kết của VNG với tỉ lệ sở hữu cổ phần là 38%).
Theo số liệu từ bộ máy tìm kiếm online iPrice Group, đến cuối năm 2017, Lazada gần như thống lĩnh thị trường bán lẻ trực tuyến tại Thái Lan, Việt Nam và Malaysia. Ở Việt Nam, Lazada đang chiếm 19% lượng truy cập, kế tiếp là Thegioididong.com và Sendo với tỉ lệ lần lượt là 15% và 11%, Tiki đứng thứ 4 với 8%. Các DN này không tiếc tiền khi liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá để giành thị phần, đồng thời tạo thói quen mua sắm cho người tiêu dùng.
Cuộc đua trường vốn
Một chuyên gia về TMĐT ở TP HCM cho rằng trước mắt, người tiêu dùng được hưởng lợi từ những chương trình khuyến mãi này. Tuy nhiên về lâu dài, cùng với sự có mặt của các DN bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc, luồng hàng từ thị trường này sẽ đổ về ngày càng nhiều, dẫn đến các DN sản xuất kinh doanh Việt Nam bị thu hẹp phạm vi hoạt động trên kênh trực tuyến.
Một số DN lớn trong nước như FPT, Thế Giới Di Động… mới bắt đầu tham gia vào lĩnh vực này và bày tỏ tham vọng cạnh tranh với các DN Trung Quốc. Các sàn giao dịch Việt như Sendo.vn, 123mua.vn, Adayroi.com, vuivui.com… bước đầu có tỉ lệ truy cập và giao dịch khá cao. Thế nhưng, theo các chuyên gia thị trường, cuộc chơi TMĐT ngốn rất nhiều tiền và đòi hỏi trường vốn, DN nội không có nhiều lợi thế để có thể so kè với các tập đoàn lớn nước ngoài.
Thực tế, nhiều DN TMĐT nội đã sớm bị các "ông lớn" nước ngoài loại khỏi cuộc đua bằng chiến lược đầu tư lớn, quảng cáo rầm rộ để thu hút người mua và hỗ trợ dịch vụ giao nhận, thu phí hộ. Không chỉ giảm giá sản phẩm, các sàn TMĐT này còn có nhiều chính sách hỗ trợ người bán và người mua. Lazada đưa vào hoạt động thêm 4 trung tâm xử lý đơn hàng, giảm 50% chiết khấu cho người bán hàng trên nền tảng này. Shopee hỗ trợ giao hàng miễn phí, không thu tiền thu phí hộ và đưa ra các chương trình huấn luyện kỹ năng bán hàng, chăm sóc khách hàng… miễn phí.
Theo nhận định của Hiệp hội TMĐT Việt Nam - VECOM, năm 2018, các DN trong nước sẽ chi nhiều hơn cho quảng cáo và truyền thông nhằm thu hút khách hàng về website mình. Dự kiến, chi phí cho hoạt động này sẽ tăng khoảng 60% so với năm 2016.
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho rằng khi TMĐT phát triển, chiến lược về giá không còn là bí mật, DN phải ứng dụng được các công nghệ chuyên sâu vào TMĐT. Các công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloude Computing), dữ liệu lớn (Big Data) sẽ phát triển mạnh và đóng vai trò cốt lõi thay đổi bộ mặt của ngành bán lẻ. Các DN cần cập nhật những giải pháp, phần mềm TMĐT, ứng dụng của điện thoại thông minh cho hoạt động kinh doanh của mình. Song song đó, cần gắn kết hơn với người tiêu dùng và nhà cung ứng bằng cách sử dụng những mã QR code của sản phẩm hay tận dụng các công cụ tìm kiếm đang được người tiêu dùng yêu thích.
Bình luận (0)