Từ lâu, ngành chăn nuôi Việt Nam bị đánh giá kém cạnh tranh so với thế giới, bị sức ép nặng nề khi hội nhập. Điều này thấy rõ khi thịt ngoại ồ ạt nhập khẩu, từ gà, heo, bò và bán rộng rãi khiến người chăn nuôi, đặc biệt là gà lông trắng, khốn đốn. Riêng ngành chăn nuôi heo mấy năm nay phát triển nóng mà người trong cuộc gọi là sự "phồn vinh giả tạo". Lý do là sức hút từ thị trường Trung Quốc khiến giá heo hơi tăng liên tục, đỉnh điểm lên đến 52.000 đồng/kg. Điều này có lợi cho người chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng người tiêu dùng trong nước lại chịu thiệt vì phải ăn thịt heo giá cao hơn giá trị thật. Còn những nhà chế biến chuyển sang dùng thịt nhập khẩu, giá rẻ hơn và chất lượng ổn định.
Đáng nói là chuyện xuất khẩu heo đi Trung Quốc không phải chính thống mà bằng đường tiểu ngạch, chuyện cửa khẩu "đóng băng" có thể xảy ra bất cứ khi nào. Những ngày giao thương thông suốt, xe heo đi rầm rập trên quốc lộ từ Nam ra Bắc kèm theo mùi hôi đặc trưng khó chịu.
Trong một cuộc họp tại TP HCM, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lào Cai, nơi heo tập kết để qua biên giới, đã tố khổ về chuyện phải gánh chịu nguy cơ về dịch bệnh từ chuyện xuất khẩu heo của vựa chăn nuôi Đông Nam Bộ và kêu gọi sự đóng góp về chi phí giải quyết.
Thịt heo thảo mộc giá cao vẫn hút khách giữa lúc thị trường thịt heo nói chung có giá thấp
Heo hơi đi thị trường Trung Quốc là loại heo cỡ lớn, trên 120 kg, mỡ dày, là loại mà thị trường nội địa và thị trường khác chê nên khó bán thịt tươi. Giải pháp đưa ra là giết mổ heo đến tuổi xuất chuồng để cấp đông dùng vào chế biến thực phẩm sau này. Thế nhưng, từ chỗ heo hơi nhiều năm luôn hút hàng, không cần tạm trữ nên các cơ sở giết mổ hầu như chỉ phục vụ cho việc bán thịt heo tươi với dây chuyền chủ yếu là thủ công và bán thủ công, rất lạc hậu so với thế giới.
Ngay tại TP HCM, dù đã nhận ra vấn đề này nhưng quy hoạch giết mổ heo công nghiệp đã bị chậm hơn 10 năm và đến nay vẫn chưa có nhà máy mới nào ra đời đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu. Từ thực tế này, chuyện dự trữ heo trở nên mạo hiểm với nhiều doanh nghiệp (DN) do không đủ năng lực về cấp đông, kho chứa dẫn đến khó kiểm soát về chất lượng.
Trong khi đó, tại thủ phủ chăn nuôi heo Đồng Nai, nhiều hộ dân đã tự mổ heo, đem ra lề đường trải bạt bán dã chiến để vớt vát đồng vốn. Thương cho nông dân gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng thử đặt vào vị trí người tiêu dùng hiện nay, nhất là người thành thị, hẳn là không ai dám mua vì không an tâm về chất lượng.
Giải cứu heo tồn cho nông dân, giúp họ qua cơn ngặt nghèo là chuyện nên làm nhưng không vì thế mà dễ dãi. Bởi vì sản phẩm heo thịt là thực phẩm tươi sống, cần phải kiểm soát chặt từ chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ bảo quản, bán lẻ. Người tiêu dùng có thể mua thêm thịt heo nhưng phải là thịt bảo đảm an toàn thực phẩm. Nếu không, việc giải cứu phải thông qua hình thức khác để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng.
Cách đây 2 ngày, người viết quan sát quầy thịt tại một siêu thị lớn ở quận 7, TP HCM. Do đang trong chương trình "giải cứu" nên các quầy đều được trưng bày bắt mắt kèm băng-rôn kêu gọi nhưng người mua vẫn "bình thản". Nơi nhân viên bán không ngơi tay chính là quầy thịt heo thảo mộc của một công ty chăn nuôi lớn tại TP HCM. Quầy thịt này vẫn bán giá bình thường, không khuyến mãi. Sườn non lên đến 202.000 đồng/kg, ba rọi rút sườn 168.000 đồng/kg, thăn nội 145.000 đồng/kg… Điều này cho thấy xu hướng tiêu dùng đang thay đổi. Nếu người dân vẫn tiếp tục sản xuất mặt hàng thị trường không cần thì dù giá rẻ, chúng cũng rất khó bán.
Ý KIẾN
Ông Văn Đức Mười, chuyên gia về chăn nuôi, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Vissan:
Heo nái phải được đăng ký
Ở các nước tiên tiến, chăn nuôi heo phải đăng ký quy mô vì nó liên quan đến môi trường, nếu nuôi vượt phải đóng thuế môi trường rất nặng vì nguy cơ ô nhiễm. Tại Việt Nam, để giảm đàn phải thực hiện công tác thống kê, loại thải những con nái năng suất kém. Số heo nái được giữ lại phải được đăng ký tại từng địa phương để quản lý vì từ số heo nái sẽ quản lý được tổng đàn. Từng địa phương phải có quy hoạch cụ thể, tùy theo cung cầu, vùng nào được nuôi bao nhiêu con và quản lý để không bị vượt.
Theo tôi, đã đến lúc đưa ra quy định và kiên quyết thực hiện. Nếu cơ quan nhà nước vì "sợ" dân phản ứng mà e dè sẽ ảnh hưởng đến lợi ích chung của cả xã hội. Quy định này có thể gây khó cho người nuôi nhỏ lẻ nhưng để kiểm soát chăn nuôi tự phát đang dẫn đến hậu quả rớt giá như ngày nay. Vấn đề của ngành chăn nuôi là phải quy hoạch được sản lượng, kiểm soát được chất lượng thì sẽ đi vào chăn nuôi bền vững, không bị mất giá. Khâu mở cửa thị trường sẽ được thực hiện trước, khi có thị trường mới mở sản lượng.
Ông Lâm Tuấn Hùng: Giám đốc thu mua thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam:
Nuôi trồng tự phát phải gánh hậu quả
Trong cơn khủng hoảng thừa của thịt heo, chúng ta thường nói chung là hỗ trợ nông dân nhưng thực tế Lotte Mart không thể mua heo của nông dân dù giá rẻ vì sản phẩm của họ không đạt chuẩn. Những hoạt động "giải cứu" thịt heo của Lotte Mart thực tế đang hỗ trợ cho các DN nông nghiệp chính thống, đáp ứng các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, không thể hỗ trợ chung chung theo kiểu cảm tính. Thịt heo bị thừa có nguyên nhân từ các hộ dân chăn nuôi tự phát và họ phải tự gánh chịu hậu quả cho việc làm này.
Nhìn rộng ra thị trường nông sản Việt Nam lâu nay luôn bấp bênh là do công tác dự báo không kịp thời, không có hướng dẫn nông dân sản xuất cụ thể. Khi bán được giá thì ồ ạt nuôi trồng như cá tra, hành tím, dưa hấu… dẫn đến cung vượt cầu, giá hạ lại treo ao, bỏ ruộng. Để giải quyết căn cơ vấn đề này phải có quy hoạch bài bản, sát với thực tế, người dân làm theo có lợi nhuận thì sẽ không phớt lờ "cảnh báo" như trước giờ vì công tác dự báo không chuẩn.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long:
Lỗ hổng lớn nhất là thông tin thị trường
Việc quy định chăn nuôi heo là ngành kinh doanh có điều kiện để kiểm soát việc tăng đàn và các vấn đề môi trường là không hợp lý bởi không thể tạo thêm rào cản cho DN và hộ nông dân trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập hiện nay, nhất là tránh tình trạng độc quyền. Bài toán "được mùa mất giá" của ngành nông nghiệp thời gian qua ai cũng biết nhưng cái gốc vấn đề là chúng ta nói quá nhiều nhưng chỉ đưa ra biện pháp tình thế, trong từng giai đoạn nhất định nên mang tính "giải cứu". Trong khi đó, phải có lộ trình, kế hoạch, chiến lược cụ thể của ngành khi cung lớn hơn cầu, vai trò của nhà nước, của DN và cơ quan quản lý ở đâu? Tôi cho rằng lỗ hổng lớn nhất với người nông dân hiện nay là lỗ hổng thông tin thị trường, giá cả thị trường… Đây là bệnh nan y cần được giải quyết sớm. V.Duẩn - Ng.Ánh - T.Phương ghi
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường:
Phải giảm đàn heo nái
Bên cạnh việc kiến nghị lên Chính phủ nhiều giải pháp để "giải cứu" ngành chăn nuôi như: ngân hàng có chính sách khoanh, giãn nợ; tạm dừng việc tạm nhập tái xuất thịt… thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị phải tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo theo hướng rà soát giảm quy mô cho phù hợp nhất. Theo đó, phải giảm đàn nái từ 4,2 triệu con hiện nay còn 3 triệu con vào năm 2019, đặc biệt cần loại thải con nái già, kém chất lượng.
Phải tổ chức lại sản xuất ngành hàng, mở rộng chăn nuôi tập trung. Khu vực chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ cần tổ chức lại dưới dạng tổ, hợp tác xã, DN nhỏ. Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo chuỗi liên kết, trong đó phát huy tối đa vai trò của DN, hiệp hội và hợp tác xã nhằm kiểm soát tốt hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi. Phải tăng chế biến sâu, bảo đảm đa dạng hóa sản phẩm, thị trường.
Về thị trường, sắp tới đây, bộ sẽ chỉ đạo các đoàn tăng đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu, ngoài thịt heo, có gia cầm và rau quả, nhất là sang Trung Quốc. Tại Hội nghị cấp cao APEC ở Việt Nam sắp tới, dự kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp Trung Quốc về vấn đề xuất khẩu chính ngạch thịt heo, hy vọng hai bên sẽ tìm được giải pháp để chúng ta xuất khẩu thịt heo sang thị trường này.
Bình luận (0)