Theo ông Tuấn, thông thường, việc thanh tra chuyển giá được thực hiện theo kế hoạch chung hàng năm với đối tượng là các doanh nghiệp có dấu hiệu nghi vấn như khai lỗ triền miên, thậm chí số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu nhưng vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trường hợp của Metro Việt Nam phải thành lập đoàn thanh tra riêng do được đánh giá là phức tạp khi hoạt động của doanh nghiệp này trải rộng trên cả nước với 19 trung tâm phân phối lớn.
Việc thanh tra chuyển giá ở Metro được Tổng cục Thuế xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong chống chuyển giá.
Tập đoàn Metro có mặt tại thị trường Việt Nam từ năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ (thời điểm này Việt Nam chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực bán lẻ). 12 năm có mặt tại Việt Nam, Metro không ngừng mở rộng thị trường với quy mô hiện nay lên đến 19 trung tâm với hơn 4.000 nhân viên.
Trái ngược với việc mở rộng mạng lưới, Metro lại là doanh nghiệp kinh doanh lỗ, số lỗ lũy kế lên đến 598 tỉ đồng vào năm 2012 và chưa năm nào phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Nguyên nhân lỗ được Metro lý giải là do phải tập trung mở rộng đầu tư.
Gần đây, Metro Cash&Carry Việt Nam đã đạt được thỏa thuận bán lại cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan với giá 879 triệu USD.
Liên quan đến công tác chống chuyển giá, ông Cao Anh Tuấn cho biết 8 tháng đầu năm 2014, cơ quan quản lý thuế đã tiến hành thanh tra 1.958 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, truy thu 1.317 tỉ đồng, giảm lỗ 4.129 tỉ đồng và giảm khấu trừ thuế 82,8 tỉ đồng.
Năm 2015, trong tổng số doanh nghiệp mà ngành thuế kiểm tra sẽ tập trung vào 15 - 20% doanh nghiệp kê khai lỗ và có dấu hiệu chuyển giá.
Bình luận (0)