Ngày 26-12, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành NH góp phần hạn chế tín dụng đen.
Diễn biến rất phức tạp
Thời gian qua, dù NHNN, cơ quan công an và các địa phương đã cảnh báo nhiều nhưng tín dụng đen vẫn bùng nổ. Số liệu thống kê chưa chính thức của Bộ Công an được ông Phạm Huyền Anh, Phó Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, cho biết trong 4 năm qua, cả nước có tới 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 1.809 vụ lừa đảo… Tín dụng đen là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của NHNN với lãi suất rất cao so với quy định, hay là cho vay nặng lãi.
NHNN đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan công an, các sở, ban - ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành với tổng số tiền khoảng 117 tỉ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Vay vốn ngân hàng thông thoáng hơn được xem là giải pháp đẩy lùi tín dụng đen
Nhiều tờ rơi, quảng cáo cho vay trả góp đang len lỏi khắp mọi nơi Ảnh: Tấn Thạnh - Lê Phong
Gần đây, tại các tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên, tình hình tín dụng đen lại diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, cho thấy người dân chưa lường hết được tác hại, vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi. Tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng mọi cách từ treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, tin nhắn rác, núp bóng các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính, núp dưới danh nghĩa "kết nối NH và khách hàng"...
Theo ông Phạm Văn Tám, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, tín dụng đen thường gắn với một số hoạt động của các công ty đòi nợ thuê sử dụng lưu manh, côn đồ… Hiện lực lượng cảnh sát hình sự đang theo dõi, quản lý 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức về lĩnh vực cho vay nặng lãi.
Theo ông Phạm Huyền Anh, "cơn bão" tín dụng đen chưa ảnh hưởng đến ngành NH nhưng nếu quản lý không chặt chẽ sẽ dẫn đến vốn vay được sử dụng để cấp cho các đối tượng cho vay nặng lãi, từ đó nguy cơ rủi ro, nợ xấu, ảnh hưởng đến hoạt động của NH.
Vay ngân hàng sẽ dễ hơn
Trước tình trạng diễn biến phức tạp, biến tướng của tín dụng đen, ngành NH đã, đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, Nghị định 116 ra đời với những điểm mới đột phá, rất thông thoáng cùng nhiều giải pháp về tín dụng của ngành NH đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, nhu cầu tiêu dùng. Đặc biệt, nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến hình thức cho vay nặng lãi.
Ông Hoàng Minh Tuấn - Thành viên Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Tài chính MB Shinsei (Mcredit), cho biết năm 2019, công ty tiếp tục cải tiến công nghệ để có thể phê duyệt tự động 5.000 nhu cầu vay/ngày, áp dụng lãi suất cho vay phù hợp... nhằm thu hút thêm người vay, tránh xa loại hình tín dụng đen. Tuy nhiên, để đẩy lùi tín dụng đen, ông Tuấn cho rằng cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện cho các công ty tài chính mở rộng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa nhằm tiếp cận khách hàng. Đồng thời, Chính phủ sớm triển khai, hoàn thiện dự án thu thập dữ liệu dân cư để từ đó ban hành chính sách, cơ chế cho vay trực tuyến.
Bà Trần Thị Ngọc Hà, đại diện Công ty Tài chính vi mô Tình Thương, cho hay công ty từng thành công với sản phẩm cho vay tín chấp 50 triệu đồng gắn liền với sản phẩm tiết kiệm linh hoạt giúp người vay (chủ yếu là phụ nữ ở nông thôn) tích lũy tiền trả nợ. Từ đó, có đến 99% khách hàng hoàn trả khoản vay. Các tổ chức cho vay chính thức cần nghiên cứu, đưa ra sản phẩm cho vay phù hợp với đặc thù của từng địa phương, nhất là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Trước thực trạng tín dụng đen đang cho vay ước khoảng 2.500 tỉ đồng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai gói cho vay tiêu dùng 5.000 tỉ đồng đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là khu vực nông thôn. Agribank cần đưa ra điều kiện, thủ tục hết sức đơn giản, thời gian xét duyệt khoản vay chỉ trong 1 ngày, số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng với lãi suất hợp lý. Trong năm 2019, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết về đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó, Bộ Công an và các bộ - ngành khác, chính quyền các tỉnh, thành sẽ vào cuộc.
"Riêng các NH thương mại được yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa cho vay khu vực nông thôn, cải cách thủ tục rút ngắn thời gian xét duyệt; cho phép NH thương mại mở rộng mạng lưới ở vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều tín dụng đen hoạt động. NHNN cũng sẽ sửa đổi quy định về hoạt động, biện pháp chế tài đối với 16 công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng nhằm tổ chức lại hoạt động theo hướng minh bạch, lãi suất phù hợp, không để các công ty này có cơ hội tiếp tay cho tín dụng đen" - phó thống đốc cho biết.
Tăng gấp đôi mức vay tối đa
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, cho biết Nghị định 116 đã nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của một số đối tượng khách hàng là cá nhân, hộ gia đình lên gấp 2 lần mức cũ. Cụ thể, cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất - kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng. Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.
Bình luận (0)