Ngày 15-4, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình khai báo hải quan của các doanh nghiệp (DN) hội viên sau khi quyết định cho phép xuất khẩu gạo với hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 có hiệu lực.
Theo VFA, các DN đã bố trí nhân sự lúc 0 giờ ngày 11-4 để chuẩn bị "xuyên đêm" khai báo hải quan nhưng đến 23 giờ cùng ngày hệ thống vẫn khóa nên đã ngừng theo dõi vì nghĩ 12-4 là chủ nhật, không có cán bộ tiếp nhận làm việc. Tuy nhiên, hệ thống đăng ký tờ khai điện tử bất ngờ mở lúc 0 giờ ngày 12-4 mà không có thông báo chính thức nào khiến DN bị động. Đến sáng sớm cùng ngày, các DN truyền tai nhau hệ thống khai hải quan xuất khẩu gạo đã đóng lúc 2 giờ 30 sáng với số lượng gạo xuất khẩu đã khai báo thành công là 399.989 tấn.
Điều này có nghĩa rất nhiều thương nhân đang có hàng sẵn trên cảng không được phép xuất khẩu và phải đối mặt với hàng loạt chi phí phát sinh mỗi ngày lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí nguy cơ phá sản vì đã tạm dừng xuất khẩu từ ngày 24-3.
VFA cũng ghi nhận một số bất cập do hội viên phản ánh như trong các tờ khai đăng ký hải quan có một số được phân luồng đỏ nhưng sau đó bị ghi lùi thời điểm về ngày 10-4 hoặc có tờ khai thành công (đã có số tờ khai) nhưng sáng 14-4 bị hệ thống mạng hải quan xóa bỏ dù chưa đủ 15 ngày.
Các DN cho rằng việc phân bổ hạn ngạch thông qua hình thức đăng ký hải quan trừ lùi như hiện nay chưa gắn với nghĩa vụ thu mua lúa gạo trong dân cũng như năng lực giao dịch thực tế của các DN. Thương nhân xuất khẩu gạo còn phản ánh tình trạng không ít DN khai hải quan thành công rạng sáng 12-4 chưa tập kết hàng ở cảng hoặc hàng chưa đủ mà chỉ truyền tờ khai để giữ chỗ. Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng cạnh tranh chưa lành mạnh như DN chào bán giá thấp để lấy hợp đồng đăng ký hạn ngạch...
Chuyển gạo xuống sà lan - Ảnh: NLĐO
Trước thực tế trên, VFA kiến nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các DN khai tiếp những đơn hàng dang dở và cho thông quan hết lượng hàng tồn trên cảng (số lượng không quá 300.000 tấn). Đồng thời, đề nghị Tổng cục Hải quan xem xét phân luồng xanh và vàng cho các lô hàng gạo đã có sẵn tại cảng để thông quan nhanh chóng vì thuế xuất khẩu gạo là 0%. Đối với những tờ khai có dấu hiệu giữ chỗ (chưa có hàng tại cảng, chưa có thông tin tên tàu, tàu chưa cập phao,…) vẫn phải phân luồng đỏ và kiểm hóa chặt chẽ.
VFA cũng đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra các tờ khai chặt chẽ để phát hiện các trường hợp DN khai khống (về số lượng, số container, số seal, không có hàng hóa khi kiểm hóa) nhằm giữ hạn ngạch và áp dụng chế tài xử lý như hủy toàn bộ tờ khai của DN đó.
"Đối với bất kỳ lượng hạn ngạch nào bị hủy, cần ưu tiên chuyển đến các lô hàng đã sẵn sàng ngoài cảng nhưng DN đăng ký tờ khai chưa thành công" - VFA kiến nghị.
Bình luận (0)