400.000 tấn gạo xuất khẩu theo hạn ngạch tháng 4-2020 đã được doanh nghiệp đăng ký đủ sau vài giờ cơ quan hải quan mở tiếp nhận tờ khai, nhiều doanh nghiệp (DN) "xù" hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia là những vấn được dư luận đặc biệt quan tâm những ngày gần đây.
Điều đáng nói, có DN từ chối ký hợp đồng cấp gạo dự trữ nhưng lại có tên trong danh sách mở tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo trong tháng 4.
Cụ thể, ngày 13-4, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nam Bộ thông báo hủy thầu và hủy kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu cung cấp gạo dự trữ quốc gia năm 2020 với 6 gói thầu. Trong đó, có Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc với 2 gói thầu cung cấp 1.500 tấn gạo nhập kho dự trữ quốc gia tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Cần Thơ. Tuy nhiên, DN đã từ chối thương thảo hợp đồng.
Nhiều doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng lại có tên trong danh sách xuất khẩu gạo - Ảnh minh hoạ
Tuy nhiên, trong danh sách 40 DN mở tờ khai xuất khẩu gạo tháng 4, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc đã mở tờ khai đăng ký xuất khẩu hơn 7.189 tấn gạo.
Tiếp đến, Công ty TNHH Phát Tài cũng đã từ chối ký hợp đồng 2 gói thầu đã trúng tại Cục Dữ trữ Nhà nước khu vực Hà Bắc. Doanh nghiệp này còn "xù", từ chối hoàn thiện, ký hợp đồng gói thầu cung cấp 1.200 tấn gạo tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Sơn La.
Dù trúng 3 gói thầu với 2.300 tấn gạo tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên, nhưng Công ty TNHH Phát Tài tiếp tục từ chối ký hợp đồng. Trong khi đó, DN này đã mở tờ khai đăng ký xuất khẩu 13.630 tấn gạo.
Công ty cổ phần Mỹ Tường cũng lọt danh sách đăng ký xuất khẩu gạo hơn 10.600 tấn, nhưng đã từ chối ký hợp đồng dù đã trúng gói thầu 900 tấn gạo tại Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Tây Nguyên.
Hàng loạt DN từ chối ký hợp đồng dù đã trúng thầu khiến kế hoạch mua gạo dự trữ quốc gia của Tổng cục Dự trữ Nhà nước phải đấu thầu lại. Trong khi đó, trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục trưởng Tổng cục Dữ trữ Nhà nước, cho biết việc đấu thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu, nên khi các DN từ chối ký hợp đồng thì sẽ xử lý theo luật này.
Do đó, các trường hợp DN từ chối ký hợp đồng, sẽ thu lại toàn bộ tiền bảo đảm dự thầu, nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Về phía Tổng cục Hải quan, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, cho rằng có sự bất thường khi không ít doanh nghiệp đã trúng thầu cấp gạo dự trữ quốc gia nhưng lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng. Tuy nhiên, khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu thì các DN này lại đăng ký tờ khai lên tới hàng ngàn tấn gạo.
Theo ông Tuấn, hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia. Dù vậy, ông Âu Anh Tuấn cho biết hiện nay chưa có chế tài buộc DN phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu.
Theo đại diện Tổng cục Hải quan, cơ quan này dự kiến sẽ tổng hợp lại toàn bộ tình hình thực hiện xuất khẩu gạo trong thời gian qua, báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành và kiến nghị giải pháp để đảm bảo quản lý mặt hàng gạo xuất khẩu hiệu quả, chủ động.
Bình luận (0)