Chiều dài toàn tuyến gần 5 km đi qua các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận với 2 nhà ga ở gần chân cầu Thị Nghè và gần chùa Chantarangsay.
Tour du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là sự lạ lẫm với nhiều người bởi dòng kênh này từng là kênh “chết”, hôi thối, nay “sống” lại sau khi được cải tạo, tạo điều kiện cho phát triển du lịch. Điểm thú vị của tour là du khách không chỉ thưởng ngoạn khung cảnh hai bên bờ, nhiều công trình kiến trúc lịch sử mà còn được nghe đờn ca tài tử, đàn tranh, sáo trúc, có hướng dẫn viên thuyết minh lịch sử TP HCM bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (đơn vị khai thác tour), cho biết ý tưởng mở tuyến du lịch trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được nhen nhóm từ gần 2 năm trước khi dòng kênh “chết” trong xanh trở lại. Đây là một phần của tour tham quan TP, giúp du khách có thêm lựa chọn mới thay vì chỉ loanh quanh các điểm nhà thờ Đức Bà, Hội trường Thống Nhất, Bưu điện TP... Loại hình du lịch city tour sẽ phong phú hơn khi du khách xuống thuyền, ngắm TP từ dưới sông.
Có điều, không ít người băn khoăn giá tour có quá cao (thuyền Phụng cao cấp ở mức 220.000 đồng/người; còn loại thuyền bình dân giá 110.000 đồng/người) so với lịch trình ngắm cảnh gần 5 km cùng với dịch vụ chưa đa dạng. Có thể lúc đầu, du khách mua tour vì tò mò nhưng lâu dài điều gì giữ chân khách để tour này có thể trụ lại, phát triển?
Theo ông Phan Xuân Anh, sắp tới, công ty sẽ mời các hãng lữ hành trải nghiệm rồi đưa một phần vào hành trình city tour quanh TP để giới thiệu đến du khách. Các dịch vụ trên đường tour cũng dần được hoàn thiện hoặc kết hợp hoạt động đua thuyền, chợ nổi... Ở các nước có du lịch đường sông trong lòng TP, một số lễ hội được “kéo” về sát bờ để khách vừa tham gia lễ hội vừa ngắm cảnh.
Cách đây không lâu, hãng hàng không Hải Âu cũng đề xuất mở tour ngắm cảnh Sài Gòn từ trên cao bằng dịch vụ thủy phi cơ. Điểm đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất, bay theo lộ trình và đáp xuống rừng ngập mặn Cần Giờ để khách tham quan. Về lâu dài, Hải Âu muốn được lập cơ sở khai thác trên mặt nước hoặc sông hồ lớn tại TP HCM để tăng tính hấp dẫn cho dịch vụ bay bằng thủy phi cơ. Tuy nhiên đến nay, ý tưởng này vẫn chưa thành hiện thực.
Ngành du lịch TP HCM còn kỳ vọng phát triển du lịch đường thủy đi các tỉnh miền Tây, Campuchia theo hệ thống sông lớn bằng nhiều phương tiện khác nhau. Dù vậy, tour đường sông đến nay vẫn kén khách và chưa phát triển như kỳ vọng vì thiếu điểm dừng chân, thiếu dịch vụ hai bên bờ.
Thế nên, để một tour mới trên sông được du khách yêu thích và “trụ được”, rất cần sự ủng hộ của ngành du lịch TP, chính quyền địa phương. Ngay như tour kênh Nhiêu Lộc, đến giờ Công ty Thuyền Sài Gòn vẫn đang kiến nghị xây mới nhà vệ sinh ở 2 đầu nhà ga, lắp đèn dọc kênh để du khách khám phá Sài Gòn buổi tối.
Bình luận (0)