PGS-TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho rằng phát triển nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại và bền vững phải xây dựng thể chế đồng bộ gắn kết hữu cơ kinh tế hộ nông dân, các loại hình hợp tác xã (HTX), hệ thống doanh nghiệp (DN) và áp dụng khoa học công nghệ gắn với thị trường. “Quan trọng nhất chính là lợi ích của nông dân ở đâu, như thế nào trong chuỗi sản xuất hàng hóa?” - ông Toản đặt vấn đề.
Ông Phạm Hữu Văn, Trưởng Ban Kinh tế Hội Nông dân Việt Nam, cũng cho rằng cải cách quản lý đất đai, xây dựng thể chế về tích tụ ruộng đất phải quan tâm lợi ích lâu dài của nông dân. “Không nên quá coi trọng quy mô mà phải áp dụng khoa học công nghệ hiện đại để đi vào sản xuất, tăng giá trị như thế mới bảo đảm đời sống cho nông dân, đặt hiệu quả lên trên hết” - ông Văn nhấn mạnh.
Vấn đề mà các chuyên gia quan tâm là hiện nay chưa có cơ chế ưu đãi DN và hộ nông dân trong tích tụ ruộng đất. Theo PGS-TS Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, quản lý đất đai hiện nay còn bất cập, chưa có sức mạnh tổng hợp thúc đẩy quá trình từ nhận thức đến hành vi. “Quyết tâm cải cách thể chế phải đi liền với chế tài, nếu câu đó không trả lời được thì khó có thể giải quyết được các bất cập về tích tụ ruộng đất” - ông Chung thẳng thắn.
Góp ý giải pháp tháo gỡ, PGS-TS Trần Quốc Toản đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý để hộ nông dân thực sự là đơn vị kinh tế tự chủ trong phát triển nông nghiệp hàng hóa. Song song đó, cần quy hoạch lại để hộ nông dân liên kết với HTX thành vùng sản xuất, hộ nông dân phát triển theo mô hình trang trại, hội nông dân kết hợp với DN, tích tụ ruộng đất cho DN sản xuất lớn chất lượng cao gắn với áp dụng khoa học công nghệ.
“Để làm được điều này, cần có khung chính sách chung về tích tụ ruộng đất nhưng phù hợp với từng khu vực, địa phương, trong từng thời kỳ nhằm bảo đảm lợi ích các HTX, hộ nông dân, DN” - ông Toản nhìn nhận.
Bình luận (0)