Ngày 11-12, tổng kết hoạt động ngành dệt may năm 2017, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết năm nay ngành ước đạt thặng dư xuất khẩu 15 tỉ USD. Với giá trị thặng dư này, dệt may trở thành ngành có giá trị thặng dư xuất khẩu lớn nhất trong năm 2017.
Ngành dệt may đặt mục tiêu nâng kim ngạch xuất khẩu lên 33,5 - 34 tỉ USD trong năm 2018. Ảnh: Tấn Thạnh
Theo Vitas, dù gặp nhiều thách thức do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây dừng lại làm ảnh hưởng lớn đến tình hình xuất nhập khẩu từ cuối năm 2016 và đầu năm 2017 song từ quý II/2017 đã có những chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu cả năm toàn ngành dự kiến đạt trên 31 tỉ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may 25,91 tỉ USD, tăng 8,7% so với năm 2016, xuất khẩu xơ sợi 3,51 tỉ USD, tăng 19,93% về giá trị so với cùng kỳ 2016… Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may ước đạt 18,91 tỉ USD, tăng 11,43% so với năm 2016.
Trong năm, các DN của ngành đã chủ động tìm đối sách nên không bị ảnh hưởng lớn từ việc Mỹ rút khỏi TPP. Ngoài những thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống như Mỹ, châu Âu, Nhật..., một số thị trường mới đã được khai thác, đáng chú ý là một số DN bắt đầu xuất khẩu sản phẩm vào Trung Quốc. "Lâu nay, nguồn nguyên phụ liệu may mặc Việt Nam chủ yếu từ Trung Quốc nhưng chúng ta đã xuất sợi, vải và áo jacket, áo sơ mi sang Trung Quốc. Dự kiến năm 2018, sản lượng xuất khẩu sang thị trường này sẽ gia tăng" - ông Giang nhận định.
Đại diện Vitas nhìn nhận các đối tác Nga đã quay lại làm ăn với Việt Nam do việc thanh toán bớt khó khăn nhờ giao dịch qua Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga. Nhiều tổng công ty như may Nhà Bè, may Đức Giang… đã mở cửa hàng tại Nga. Về thu hút đầu tư, từ quý II, đối tác nước ngoài quan tâm hơn đến ngành dệt may Việt Nam, vốn đầu tư vào ngành này có bước tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, các DN đã bắt nhịp, ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm.
Mục tiêu năm 2018 của ngành là nâng kim ngạch xuất khẩu lên 33,5 - 34 tỉ USD. Để đạt mục tiêu này, cần có chiến lược tập trung vào những giải pháp chính như tăng ứng dụng công nghệ, tiếp tục kêu gọi đầu tư, xây dựng chuỗi liên kết trong Vitas. Đặc biệt, đầu tư phát triển ngành thiết kế, tăng tỉ lệ bán hàng ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất) lên 10% nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu thoát gia công và tăng giá trị gia tăng. "Tỉ lệ hàng xuất ODM đã tăng từ 3% trong 2016 lên 7% trong 2017, chúng tôi có đủ cơ sở để đặt mục tiêu lên 10% trong 2018. Hai năm nay, hàng loạt doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Phong Phú, Nhà Bè, Việt Tiến, May 10, Việt Thắng, An Phước… phát triển mạnh mảng ODM" - ông Giang nói.
Bình luận (0)