Dù hầu hết các điểm bán đều miễn phí giao hàng tận nhà cho khách nhưng họ vẫn phải trả phí cho các công ty giao nhận nên dịch vụ “miễn phí” này đang là miếng bánh hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.
Trăm mối về giao nhận
Đang tạm nghỉ việc ở nhà, chị Trần Hồng Yến (ngụ quận 9, TP HCM) thử tài kinh doanh bằng việc bán đặc sản miền Trung qua mạng. Nguồn hàng được lấy từ người nhà trồng ở quê giá rẻ, chất lượng nên được bạn bè, đồng hương ở TP HCM mua ủng hộ.
Bán online không tốn chi phí mặt bằng nhưng chị lại mệt mỏi vụ giao hàng. Tự làm không xong vì không có sức chạy rông ngoài đường, thuê xe ôm thì phí quá cao, đến 30.000 đồng/đơn hàng nên “ăn” hết phần lãi; còn tăng giá thì mất ưu thế, khó cạnh tranh. Đang tính nghỉ thì chị Yến tìm được một công ty giao hàng chuyên nghiệp.
Dùng gói dịch vụ tiết kiệm, chi phí chỉ mất 10.000-20.000 đồng/đơn hàng, công ty tới tận nhà lấy hàng, khi giao thu tiền của khách và chuyển khoản về nên chị yên tâm buôn bán.
Còn bà Lê Hoàng Uyên Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Chọn (chon.vn), đại diện online của khoảng 200 nhãn hàng thời trang, cho biết khâu giao hàng đã có đối tác lo vì muốn tập trung vào việc chọn lọc hàng hóa, quản trị website. “Các công ty giao nhận chuyên nghiệp xây dựng được mạng lưới rộng nên chi phí trên đơn hàng thấp hơn”- bà Vy phân tích.
Theo tìm hiểu, các nhà bán lẻ quy mô như siêu thị, với lượng đơn hàng cần giao trong ngày lớn, có nơi tổ chức đội quân giao hàng nhưng cũng có siêu thị (Big C chẳng hạn) giao việc này cho công ty chuyên nghiệp.
Qua khảo sát của một công ty giao nhận, nhu cầu cho dịch vụ này mỗi ngày tại TP HCM không dưới 300.000 lượt, là mảng kinh doanh đầy tiềm năng trong khi các công ty chuyển phát truyền thống chưa coi trọng phân khúc này.
Nở nồi
Để bảo đảm chất lượng dịch vụ, mới đây Công ty CP Đầu tư Thương mại và Chuyển phát nhanh F1 (giaohangnhanh.vn) chuyên lo phần giao hàng cho các nhà bán lẻ lớn như Big C, FPT shop, Foci, chodientu.vn... vừa tạm ngưng nhận khách hàng mới trong tháng 3 tại TP HCM. Hiện công ty đang thông báo tuyển nhân viên giao nhận khắp 63 tỉnh/ thành để đào tạo, xây dựng hạ tầng mở rộng hoạt động trên toàn quốc. Đầu năm 2014, một CEO có tiếng của “làng” điện máy đã về đầu quân cho giaohangnhanh.vn, doanh nghiệp được sáng lập bởi ông Lương Duy Hoài, từng là phó giám đốc cung ứng của Thế giới Di động và cộng sự.
Ông Trần Thiện Trung, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Tâm Điểm, cho biết tháng 5-2013, ông bắt đầu khởi động dự án giaohangso1.vn chuyên cung cấp dịch vụ giao nhận hàng và thu hộ tiền chỉ với 5 nhân sự, đến nay đã lên con số 60 người. Không tiết lộ về doanh thu nhưng ông Trung xác nhận hiện đang làm theo dạng cuốn chiếu và phát triển nhân sự theo nhu cầu của khách hàng chứ không có kinh phí để đầu tư đón đầu thị trường.
Theo nhận xét của nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử, hiện trên thị trường TP HCM chỉ có một vài công ty giao nhận bảo đảm được độ phủ và thời gian vận chuyển hợp lý nên tiềm năng thị trường còn rất lớn với chi phí giao nhận chiếm đến 6%-10% giá trị đơn hàng. Trong khi đó, theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bộ phận người tiêu dùng “ngồi nhà” sẽ càng tăng cùng với sự gia tăng của bán lẻ trên mạng sẽ thúc đẩy thêm sự phát triển của dịch vụ giao nhận.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam đã có mặt các nhà chuyển phát hàng đầu thế giới như Fedex, DHL, TNT, UPS… chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường và dự báo số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
Quản lý chưa theo kịp phát triển
Hoạt động “chuyển phát hàng hóa đến tay người nhận” được xếp vào dịch vụ bưu chính và đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện (phải có giấy phép bưu chính hoặc thông báo hoạt động bưu chính…). Theo Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương, trên thị trường kinh doanh dịch vụ bưu chính hiện có 285 doanh nghiệp đang hoạt động nhưng chỉ có 79 doanh nghiệp được chính thức cấp phép, các doanh nghiệp còn lại chưa đủ điều kiện hoặc không đăng ký kinh doanh. Ngoài ra còn có một bộ phận không nhỏ loại hình kinh doanh kết hợp với các hãng xe vận tải.
Bình luận (0)