xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Điểm sáng từ xuất khẩu

Phương Nhung - Ngọc Ánh - Nguyễn Hải

Xuất khẩu là lĩnh vực góp sức lớn vào thành tích tăng trưởng kinh tế dương của Việt Nam và thuộc nhóm cao nhất thế giới

Dẫn con số tăng trưởng kinh tế 2,91% trong năm 2020, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2020 của Tổng cục Thống kê nhận định đây là thành công lớn và thể hiện được tính đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng chống dịch bệnh và sự quyết tâm, đồng lòng của toàn bộ hệ thống chính trị.

Nông - lâm - thủy sản có công đầu

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, mức tăng trưởng đạt 2,55% - chỉ thấp hơn mức tăng của các năm 2011, 2012 và 2018 (tính trong giai đoạn 2011-2020), đóng góp 0,29 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, ngành lâm nghiệp tăng 2,82%, thủy sản tăng 3,08%...

Điểm sáng từ xuất khẩu - Ảnh 1.

Vận tải hàng hóa nhộn nhịp tại cảng Cát Lái, TP HCM .Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Gỗ là ngành đạt kết quả nổi bật trong năm qua. Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết ước tính năm 2020, tổng trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ của doanh nghiệp (DN) trong hiệp hội đạt khoảng 12,8 tỉ USD, tăng 14% so với năm ngoái. "Đây là nỗ lực vượt bậc của DN gỗ trong bối cảnh thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa. Phần lớn các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam vẫn hoạt động, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu khách hàng tại nhiều thị trường" - ông Hoài nhận xét và cho hay những tháng qua, đơn hàng xuất khẩu sản phẩm gỗ tăng khoảng 20% so với cùng kỳ.

Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn Sadaco, kể nhiều DN gỗ đã phải tập trung tái cấu trúc hoạt động sản xuất - kinh doanh để đón nhận các đơn hàng tăng rất mạnh kể từ quý III năm nay. Đặc biệt, công ty đã xúc tiến đầu tư thêm nhà máy với công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu mới. Còn Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific, ông Nguyễn Chiến Thắng, cũng cho biết công ty đang đầu tư, mở rộng thêm nhà xưởng nhằm đáp ứng những hợp đồng xuất khẩu sắp ký cho năm mới.

Trong lĩnh vực thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết xuất khẩu tôm cả năm tăng 15% so với năm 2019. Đặc biệt, trong tháng 11 vừa qua, xuất khẩu tôm tăng trưởng đến 28% so với cùng kỳ năm ngoái. "Ngoài tôm, các loại cá ngừ, cá đóng hộp, nước mắm, thủy sản khô, sản phẩm ăn liền, sản phẩm có thời hạn bảo quản lâu… cũng tăng trưởng tốt" - VASEP nhấn mạnh thông tin.

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nhìn nhận nhờ chủ động được nguồn nguyên liệu tôm phục vụ chế biến nên xuất khẩu tôm trở thành điểm sáng của năm. Thời gian tới, DN sẽ đầu tư máy móc hiện đại, tăng cường cơ giới hóa, tự động hóa để bảo đảm gia tăng sản lượng.

Công nghiệp trở thành động lực

Nếu tăng trưởng trước đây dựa vào khai thác và bán thô tài nguyên thì hiện nay, đóng góp từ khu vực này đã giảm xuống. Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp dần chiếm ưu thế và trở thành động lực tăng trưởng với mức tăng 3,36% so với năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, đóng góp 1,25 điểm % vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3% so với năm trước. "Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế" - báo cáo của Tổng cục Thống kê nhận định.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương, thừa nhận các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào từ Trung Quốc và một số quốc gia khác đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, kể từ sau tháng 3-2020, nhờ giải pháp tích cực của Chính phủ trong việc thông thương hàng hóa và tìm kiếm các nguồn cung thay thế và DN chủ động đa dạng hóa phương thức vận tải nhằm thay thế một phần cho vận tải đường bộ trong việc nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, tình trạng đứt gãy nguồn cung đã được khắc phục.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng khẳng định tăng trưởng của nền kinh tế những năm gần đây đã chuyển dần sang đóng góp phần lớn từ khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong 3 năm liền từ 2017-2019, tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo luôn cao, có năm tăng trưởng đến 2 con số. "Sự chuyển đổi trong mô hình tăng trưởng được thể hiện rất rõ nét" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Dưới góc độ DN, nhiều công ty trong lĩnh vực công nghiệp ghi nhận sản lượng tiêu thụ sản phẩm ở mức rất tốt nhờ sự chủ động về công nghệ sản xuất. Nhờ sự chủ động nguồn nguyên liệu trong nội bộ, Khu Liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất (Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát) đã trở thành nhà cung cấp chính thép cuộn cán nóng - nguyên liệu để sản xuất tôn cuộn mạ kẽm trên toàn quốc.

Tập đoàn này cũng vừa lập kỷ lục sản lượng bán ống thép đạt mốc cao nhất từ trước đến nay với 95.000 tấn trong tháng 11-2020, tăng 31,2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, công ty này còn cung cấp 16.900 tấn tôn cuộn mạ kẽm cho thị trường, tăng 135% so với cùng kỳ. "Cuối năm là giai đoạn cao điểm về xây dựng, hoàn thiện các công trình nên tiêu thụ sản phẩm sắt, thép luôn ở mức cao, cùng với đó là hiệu ứng từ chính sách thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ" - ông Tạ Thanh Bình, Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty Ống thép Hòa Phát, lý giải.

Trong khi đó, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết DN này đặt mục tiêu xây dựng nhà máy thông minh có độ tự động hóa, kết nối cao, có năng lực dự báo và khả năng thích ứng biến động. Từ đó, mang lại cho khách hàng những sản phẩm đáp ứng ngày càng tốt hơn với xu thế hiện đại hóa, đồng thời nhằm thực hiện mục tiêu chuyển đổi số trong DN.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2020, cả nước có 134.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 2,2 triệu tỉ đồng. Con số này tuy giảm 2,3% về số DN nhưng tăng 29,2% về vốn đăng ký. Nếu tính cả 3,3 triệu tỉ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 39.500 DN đăng ký tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm nay là gần 5,6 triệu tỉ đồng, tăng 39,3% so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong năm 2020 đạt 16,6 tỉ đồng, tăng 32,3% so với năm trước.

Bên cạnh đó, còn có 44.100 DN quay trở lại hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2019, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong năm 2020 lên 179.000 DN, tăng 0,8% so với năm trước.

TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính), đánh giá tăng trưởng kinh tế dương cộng với tín hiệu DN thành lập tăng trong bối cảnh dịch bệnh cho thấy công tác chống dịch rất tốt, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh diễn ra tương đối bình thường. Mặt khác, một trong những lý do khách quan giúp kinh tế Việt Nam trụ vững là nhờ đồng USD giảm giá giúp hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh hơn. Đồng thời, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đem lại nhiều cơ hội xuất khẩu hơn cho DN Việt.

T.Dương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo