Ngành công nghiệp phụ trợ được đánh giá là tiềm năng, ảnh hưởng tích cực tới kim ngạch xuất nhập khẩu và đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng bản thân các doanh nghiệp (DN) trong nước chưa chú trọng vào ngành hàng này.
Ngành rất tiềm năng
Mới đây, Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản (Jetro) đã công bố xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam. Theo đó, một điểm yếu làm giảm lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là ngành công nghiệp phụ trợ kém. Tỉ lệ nội địa hóa của các DN Nhật Bản tại Việt Nam hiện ở mức 32,2%, tuy tăng nhẹ 4,3 điểm so với năm trước nhưng vẫn rất thấp so với các nước. Ông Atsusuke Kawada, Trưởng đại diện Văn phòng Jetro tại Hà Nội, cho rằng để nâng cao tính cạnh tranh, giảm chi phí thì việc đẩy mạnh mua nguyên vật liệu từ DN nội là rất cần thiết nhưng tiếc rằng Việt Nam chưa làm được. Theo ông, ngành công nghiệp phụ trợ được đánh giá là rất tiềm năng nên các DN Nhật Bản sẽ chú trọng đầu tư vào ngành này trong những năm tới để mở rộng thị trường xuất khẩu. “Nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa, DN Nhật Bản sẽ tăng cường tìm kiếm nguồn sản phẩm từ các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, đồng thời cung cấp dây chuyền công nghệ để sản xuất linh phụ kiện, sau đó cung cấp ngược trở lại cho Nhật Bản” - ông Kawada nói.
Như vậy, nếu Việt Nam không chủ động phát triển ngành công nghiệp phụ trợ thì bức tranh xuất nhập khẩu còn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bởi thực tế, dù môi trường đầu tư còn nhiều điểm rủi ro nhưng Việt Nam vẫn khá hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, đặc biệt là Nhật Bản.
Nước ngoài chiếm 56%-66% kim ngạch xuất nhập khẩu
Số liệu từ Trung tâm Thông tin thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy 2 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 21,1 tỉ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2013; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,2 tỉ USD, khu vực FDI đạt 13,9 tỉ USD (chiếm gần 66% kim ngạch xuất khẩu cả nước). Nhập khẩu, 2 tháng đầu năm đạt 20,8 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước; trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,1 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,7 tỉ USD (chiếm hơn 56% kim ngạch cả nước).
Các số liệu cho thấy tỉ trọng xuất nhập khẩu chủ yếu đến từ khu vực FDI. Trong cơ cấu hàng hóa nhập khẩu thì nhóm hàng nguyên phụ liệu khối FDI chiếm ưu thế. Cụ thể, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng chiếm 3,3 tỉ USD, tăng 39,2%; nguyên phụ liệu dệt may giày dép đạt 620 triệu USD, tăng 39,4%; hóa chất đạt 475 triệu USD, tăng 19,5%; kim loại thường đạt 470 triệu USD, tăng 9%; sản phẩm chất dẻo đạt 458 triệu USD, tăng 36,8%...
Giới chuyên gia đánh giá diễn biến xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm chủ yếu vẫn mang tính chu kỳ, chưa có khởi sắc và vẫn phụ thuộc lớn vào thành phần FDI. Nhưng trong tương lai nếu khối doanh nghiệp trong nước không đầu tư phát triển mạnh ngành công nghiệp phụ trợ, mà các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành công nghiệp này để cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện cho sản xuất và xuất khẩu ngược trở lại nước bản địa thì cán cân xuất nhập khẩu sẽ lệ thuộc cơ bản vào khối FDI.
Bình luận (0)