Các dự này gồm: công ty TNHH Dệt may King Fong, vốn 1,5 triệu USD, nhà máy đóng tại thị xã Bến Cát; dự án Công ty TNHH Kỹ nghệ Kuai Yin Wang, vốn 1 triệu USD, chuyên sản xuất dụng cụ văn phòng, nhà máy đóng tại KCN Việt Hương (Thị xã Thuận An); dự án công ty TNHH Lâm Gia, vốn 4 triệu USD, chuyên sản xuất cây cọ sơn, lăn sơn, nhà máy tại thị xã Tân Uyên.
Trao đổi với phóng viên báo Người lao động, ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Bình Dương, cho biết ở Bình Dương nhà đầu tư đến từ Đài Loan đang chiếm tỉ lệ cao nhất so với nhà đầu tư đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác. Theo ông Trung, Bình Dương có khoảng 800 ngàn công nhân thì có hơn 300 ngàn công nhân hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp vốn Đài Loan.
Trong đợt gây rối vừa qua, các doanh nghiệp Đài Loan bị thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, do nhận được sự hỗ trợ, động viên kịp thời từ cơ quan chức năng, đến nay hầu hết các doanh nghiệp này đã khôi phục sản xuất. Điển hình công ty giày da Thông Dụng (đóng tại phường An Phú – Thuận An) dù bị lực lượng gây rối phóng hỏa đốt cháy phần lớn nhà xưởng nhưng theo Sở LĐTB&XH Bình Dương khoảng giữa tháng này 4 nhà xưởng của Thông Dụng sẽ tái sản xuất, giải quyết việc làm cho khoảng 4 ngàn công nhân.
Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Việt Hương (chủ đầu tư KCN Việt Hương), cho biết tất cả các doanh nghiệp Đài Loan trong KCN này đều đã sản xuất trở lại. Ông còn tiết lộ thêm rất nhiều nhà đầu tư mới của Đài Loan đang chú ý đến Bình Dương vì sau đợt gây rối, chính quyền đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp mạnh. “Hai tuần nay tôi đã tiếp 6 đoàn doanh nghiệp từ Đài Loan sang đây tìm cơ hội đầu tư. Dự tính, giữa tháng này sẽ có 2 đoàn bắt đầu đầu tư thực tế vào Bình Dương. Việt Nam có câu “Đất lành chim đậu”, doanh nhân nước ngoài cũng vậy!” – ông Hàng Vay Chi nói.
Đủ sức giải quyết hết việc làm cho CN
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Dương cho biết hiện còn khoảng 18.800 công nhân mất việc sau sự cố gây rối vừa qua. Hầu hết các doanh nghiệp đang khôi phục sản xuất, dự kiến đến cuối tháng 6 số trên chỉ còn khoảng 9.300 công nhân.
“Nhiều doanh nghiệp ở TP HCM, Long An đặt vấn đề về việc tuyển dụng số lao động mất việc. Tuy nhiên hiện nhu cầu lao động của Bình Dương khá lớn, hoàn toàn giải quyết việc làm cho số lao động này” – ông Nguyễn Phùng Trung, Phó Giám đốc Sở nói.
Hiện 95% công nhân, hơn 77% chuyên gia nước ngoài trong KCN ở Bình Dương đã đi làm trở lại. Hiện ở Bình Dương còn khoảng 10 doanh nghiệp bị phóng hỏa, đập phá thiệt hại nặng chưa thể khôi phục sản xuất.
UBND tỉnh Bình Dương đã đề nghị Bộ Tài chính đốc thúc công ty bảo hiểm bồi thường cho doanh nghiệp, ngoài ra Bình Dương cũng nghiên cứu đề xuất Chính Phủ những hỗ trợ thiết thực về mặt vật chất cho các doanh nghiệp bị thiệt hại.
Bình luận (0)