Theo thông lệ hằng năm, thời điểm này các doanh nghiệp (DN) đã nhộn nhịp tăng ca làm hàng Tết. Thế nhưng, không khí chung tại nhiều DN năm nay khá căng thẳng vì vừa lo kiểm soát dịch vừa lo sản xuất, chào hàng bán Tết.
Thận trọng
Theo ghi nhận của phóng viên, hơn 1 tháng nay, nhiều DN thuộc ngành hàng thực phẩm và đồ uống (F&B) đã tăng tốc, thậm chí bố trí làm 3 ca để "chạy" kế hoạch Tết. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, cho biết một số DN lớn đang sản xuất gối đầu cho 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết nhưng do sức mua đang rất chậm, diễn biến thị trường khó lường và tùy thuộc vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19 nên các DN không tăng sản lượng nhiều, càng không dám phát triển nhiều sản phẩm mới như mọi năm.
Thay vào đó, DN chuẩn bị sẵn nguyên phụ liệu, bao bì để khi nhà phân phối tăng đặt hàng hoặc thị trường khởi sắc sẽ lập tức tăng tốc đáp ứng. "Mọi năm giờ này, DN đã tăng sản xuất dự trữ 20% cho thị trường Tết nhưng năm nay chưa dám sản xuất nhiều. Nếu thị trường tích cực thì DN sẽ tổ chức tăng ca, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu" - bà Chi thông tin.
Ban Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) dự báo sức mua thị trường Tết sẽ giảm khoảng 10%-20% so với các năm trước. Tương ứng với mức dự báo này, công ty đầu tư hơn 754 tỉ đồng để chuẩn bị 2.800 tấn thịt heo (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước) và 4.200 tấn thịt chế biến (tăng 6%).
"Sau dịch, một số loại nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng từ 20%-30%. Ngoài ra, việc đáp ứng đầy đủ bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch trong sản xuất, kinh doanh cũng khiến chi phí tăng mạnh. Tuy nhiên, DN vẫn cam kết bán giá bình ổn thị trường 2 tháng trước, trong và sau Tết để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng" - ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Vissan, nói.
Tại một số DN khác, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết đang gặp khó khăn do vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, hàng hóa nhập khẩu vẫn còn vướng vì vấn đề lưu thông hàng hóa chưa hồi phục hoàn toàn, các DN sản xuất thì vừa phải tính toán cân đối chi phí sản xuất, tìm giải pháp bán hàng hiệu quả hơn, vừa phải kiểm soát dịch trong nội bộ. "Hầu hết DN khi tổ chức sản xuất bình thường trở lại đều phát sinh nhiều ca F0 trong nhà máy, văn phòng, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động chung" - tổng giám đốc một DN nêu khó khăn.
Một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tăng khuyến mại để kéo sức mua
Trước diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp tại nhiều nơi, số ca nhiễm bệnh tại TP HCM tăng trở lại, sức mua rớt xuống thấp, mới đây Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM đã kiến nghị UBND thành phố có giải pháp hỗ trợ kích cầu tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Về phần mình, các DN đã chủ động giảm giá, khuyến mại để kích thích người dân mua sắm. Các DN phân phối liên tục "tung" khuyến mại khủng từ 1-10 đến nay.
Công ty Vissan đang áp dụng giảm giá đến 30% cho nhiều mặt hàng, kèm theo đó là chương trình tổ chức bốc thăm trúng thưởng cho khách mua sắm hàng tại website http://vissanmart.com.
Ông Đặng Thành Trung, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy đặc sản (Seapimex), cho biết khó khăn nhất hiện nay là giá nguyên phụ liệu đầu vào tiếp tục tăng mạnh, có nhóm đã tăng trên 50% so với đầu năm 2021. Trong khi đó, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Vì vậy, DN chủ động đa dạng sản phẩm, giá cả, phù hợp từng phân khúc tiêu dùng.
"Sản phẩm đã được bán với giá rất tốt nên nhiều năm nay, Seapimex chỉ áp dụng chiết khấu cho các nhà phân phối chứ không tham gia quảng bá, khuyến mại gì thêm. Tuy nhiên, năm nay tình hình khó khăn hơn nên từ đầu tháng 10, bộ phận kinh doanh đã tích cực chào hàng, làm chương trình khuyến mại nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm. Ngoài ra, công ty còn thiết kế giỏ quà Tết với thành phần là 4 sản phẩm mới phát triển năm nay cùng một số sản phẩm chủ lực" - ông Trung cho hay.
Để thúc đẩy sức mua chung, ngày 15-11, dưới sự chỉ đạo của UBND TP HCM, Sở Công Thương khai mạc chương trình khuyến mãi tập trung 2021, tên gọi "Shopping Season 2021".
Chủ đề "Thỏa sức mua, đua sức sắm", chương trình kéo dài từ ngày 15-11 đến 30-12 với 586 DN tham gia khuyến mại 1.692 chương trình, mức khuyến mại thấp nhất 30%, cao nhất 70%. Đặc biệt, tại chương trình này, DN được phép khuyến mại đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết vào thời điểm này, việc tổ chức tháng khuyến mại có ý nghĩa rất quan trọng, là cầu nối cho người kinh doanh và người tiêu dùng gặp nhau.
Theo ông Vũ, trong 10 tháng đầu năm, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa của TP HCM chỉ bằng khoảng 50% so với cùng kỳ. Hai tháng cuối năm, với các chính sách kích cầu và chương trình khuyến mại tập trung, TP HCM kỳ vọng sẽ hỗ trợ người tiêu dùng tăng cường mua sắm, thậm chí có thể tiếp cận với những sản phẩm thương hiệu quốc tế với giá cả phù hợp.
Nhà bán lẻ chưa dám đặt hàng
Hiện tại, một số nhà sản xuất hàng thực phẩm chế biến, sản xuất hàng Tết gần như đã hoàn chỉnh và đang triển khai chào bán cho các hệ thống phân phối chủ lực. Tuy nhiên, các DN phân phối chỉ mới đặt hàng cho tháng 12, tăng 20% so với tháng 11, chứ chưa chốt đơn hàng cho tháng 1-2022.
"Bản thân các DN bán lẻ cũng đang theo dõi thị trường, chưa vội đặt hàng Tết vì sức mua quá chậm. Thêm vào đó, nhà phân phối vẫn còn tồn kho sản lượng khá lớn các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm khô từ đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, cần phải giải quyết" - đại diện một DN thực phẩm thông tin.
Bình luận (0)