Ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin thương mại và công nghiệp - Bộ Công Thương, đánh giá Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của 15 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 đối tác lớn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand là hiệp định đa phương rất có ý nghĩa với Việt Nam trong việc giảm thuế quan, tăng cường chuỗi cung ứng với các quy tắc xuất xứ chung và hệ thống hóa những quy tắc về thương mại điện tử mới.
Mức độ cam kết mạnh nhất
"Với 30% GDP và 25%-26% thương mại toàn cầu, khu vực này sau khi chính thức thực thi cam kết sẽ mở ra cơ hội thị trường lớn cho Việt Nam, nhất là khi hiệp định có mặt những nền kinh tế lớn của khu vực Đông Bắc Á như Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và Nhật Bản - đứng thứ 3 thế giới" - ông Phương nhận xét.
Ông Phương cũng cho hay thực tế Việt Nam đã có nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương với từng quốc gia hoặc nhiều quốc gia trong nhóm tham gia hiệp định này. Chẳng hạn, Việt Nam có mặt trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định ASEAN+1 với 5 quốc gia đối tác gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Ngoài ra, Việt Nam còn có hiệp định song phương với 2 đối tác quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, mức độ cam kết ưu đãi thuế quan của RCEP mạnh hơn tất cả hiệp định đã ký kết trước đó. Do đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn mức ưu đãi thuế quan có lợi nhất cho từng mặt hàng xuất khẩu đến các quốc gia trong khối. "DN được chọn thực thi theo hiệp định nào có cam kết lợi hơn cho họ để phục vụ cho xuất khẩu hàng hóa. Tức là những mặt hàng nào trong RCEP được ưu đãi thuế mạnh hơn thì DN có thể chọn RCEP, còn mặt hàng nào chưa kịp giảm thuế xuất khẩu theo lộ trình thực thi RCEP thì chọn thực thi theo hiệp định khác" - ông Phương giải thích và dự đoán với những cam kết khá mạnh, số lượng đơn hàng xuất khẩu tận dụng ưu đãi từ RCEP sẽ không nhỏ.
Với riêng thị trường Trung Quốc - quốc gia xuất khẩu thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và EU; cũng là thị trường mà Việt Nam nhập khẩu rất nhiều nguyên vật liệu - hiệp định này được dự báo tác động không nhỏ đến giao thương 2 nước. Bởi giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện chưa có hiệp định song phương. Trong khi đó, phía Trung Quốc thời gian qua có nhiều động thái siết nhập khẩu nông sản từ Việt Nam bằng cách hạn chế nhập hàng qua tiểu ngạch, tăng cường hàng rào kỹ thuật. "Nếu nông sản của Việt Nam có thể tăng sức cạnh tranh, đáp ứng được hàng rào kỹ thuật thì có thể tận dụng được ưu đãi thuế quan với Trung Quốc từ hiệp định này. Để làm được, DN phải thay đổi cách làm ăn" - ông Phương nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho hay các DN Việt Nam rất kỳ vọng RCEP sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ với nhiều lợi ích về thuế quan, trong khi những thị trường này lại không quá khó tính. Đặc biệt, quy tắc xuất xứ nội khối được hài hòa, dễ đáp ứng hơn, bên cạnh quy trình về hải quan sẽ được thống nhất, tạo thuận lợi thương mại. "Nếu như ở CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), Việt Nam khó tận dụng ưu đãi thuế quan đối với sản phẩm dệt may bởi quy tắc xuất xứ nội khối vì phần lớn nguồn cung nguyên liệu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc thì khi tham gia RCEP sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ những ưu đãi thuế quan" - bà Trang so sánh.
"RCEP là hiệp định thứ 13 của Việt Nam và được ký kết trong bối cảnh thương mại quốc tế suy giảm bởi dịch Covid-19, hy vọng tạo thêm cơ hội cho ngành xuất khẩu vốn là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam" - ông Phương bình luận.
Tuy nhiên, bà Trang cho rằng áp lực từ RCEP đối với cộng đồng DN cũng rất lớn khi sẽ có nhiều hàng hóa có cơ cấu sản phẩm tương tự tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt. Trong đó, đáng lo ngại nhất là hàng hóa từ Trung Quốc với lợi thế phong phú, giá rẻ.
Doanh nghiệp Việt kỳ vọng RCEP sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ với nhiều lợi ích về thuế quan, trong khi những thị trường này lại không quá khó tính. Ảnh: TẤN THẠNH
Doanh nghiệp cần thời gian chuẩn bị
Từ góc độ DN, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), đánh giá "siêu hiệp định" RCEP mở ra thị trường lớn với những quốc gia láng giềng, từ đó công nhận lẫn nhau về xuất xứ hàng hóa, chuỗi cung ứng sản phẩm… chính là thuận lợi lớn cho Việt Nam. Các quốc gia trong RCEP cũng đang là thành viên của những FTA khác nên sẽ có sự bắc cầu, kết nối thị trường cho Việt Nam. "Khi tham gia các hiệp định, lợi thế lớn nhất cho Việt Nam là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam có thể thâm nhập các thị trường thuận lợi, dễ dàng hơn. Lợi thế thứ hai là thu hút đầu tư. Ngoài ra, với lợi thế địa chính trị của quốc gia, DN Việt cũng sẽ có cơ hội nâng vị thế của mình trong thương thảo, hợp tác với các đối tác nước ngoài. Tất nhiên, DN phải nâng cao năng lực mới tận dụng được cơ hội, nếu không sẽ chịu áp lực lớn hơn vì bị chèn ép nhiều hơn, mất thị phần nhanh hơn" - Chủ tịch HUBA nêu ý kiến và nhấn mạnh lợi ích lớn mà DN trong nước sẽ được hưởng từ RCEP là thể chế kinh tế sẽ được cải thiện theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn.
Đại diện cộng đồng DN TP HCM nói thêm RCEP chỉ mới được ký kết, các quốc gia thành viên còn phải thông qua hiệp định. "Chúng ta đang nói nhiều về trao đổi thị trường trong RCEP chứ chưa thấy nói về khung chính sách" - ông Chu Tiến Dũng đặt vấn đề và cho rằng Chính phủ cần xem xét khung chính sách cho RCEP theo hướng cụ thể hơn về xuất nhập khẩu, đầu tư, thuế…
Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinamit, nhận định thị trường càng lớn thì cơ hội cho DN mở rộng kênh đầu tư, kinh doanh càng tăng. Tuy nhiên, với nội lực hiện tại của đại đa số DN Việt, cần có sự hỗ trợ của nhà nước mới mở kênh được. "Hàn Quốc, Nhật Bản tăng đầu tư vào Việt Nam vì chính phủ 2 nước này có chính sách định hướng, ngân hàng khuyến khích, hỗ trợ bằng cách cho vay với lãi suất 0%. Với nền tảng nội lực của DN Việt hiện tại, lãi suất cho vay vẫn nằm ở mức 6%-10%/năm sẽ rất khó cho DN ở đấu trường quốc tế" - ông Viên nêu.
Ông Nguyễn Lâm Viên cũng lưu ý hiện các nước ASEAN đã có ATIGA, theo đó rất nhiều loại hàng hóa, nhất là hàng nông sản, đang được hưởng nhiều ưu đãi về thuế khi xuất khẩu vào thị trường của nhau. "RCEP sẽ mở thêm năng lực giao lưu của các DN khi đầu tư tại các nước như DN bản địa, đây là cơ hội cho các DN của các quốc gia đã phát triển khi đầu tư sang các nước đang phát triển như Việt Nam và là cơ hội cho người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài. Tuy nhiên, để DN Việt có thể đi ra phục vụ người dân các nước trong khu vực vẫn còn nhiều trở ngại" - ông Viên dự đoán.
Theo ông Viên, do các tập đoàn tư nhân của Việt Nam vẫn đang tập trung củng cố ở thị trường nội địa nên năng lực mở kênh ra thị trường các nước trong khu vực còn yếu. "Chúng ta cần có thời gian chuẩn bị nội lực và chấp nhận hội nhập chậm hơn. Khi nào năng lực nội tại của DN Việt tăng lên, cộng với sự trợ giúp của Chính phủ thì các DN mới có cơ hội" - ông Viên nhấn mạnh.
Cũng thể hiện sự quan tâm đến RCEP, ông Lương Vạn Vinh, nhà sáng lập Công ty Mỹ Hảo, cho biết những năm gần đây, Mỹ Hảo rất nỗ lực phát triển thị trường khu vực nhưng không thành công. Công ty này đã nhiều lần đưa hàng sang thị trường Myanmar nhưng không trụ lại được vì không thỏa thuận được về giá. "Hầu hết các nước ASEAN chuộng hàng Thái Lan mà chưa biết nhiều đến hàng Việt Nam. So với sản phẩm cùng chủng loại của Thái Lan, hàng của Mỹ Hảo bán rẻ hơn nhưng họ vẫn chê giá cao, đòi giảm thêm" - ông Lương Vạn Vinh kể. Tuy nhiên, Mỹ Hảo không bỏ cuộc, vẫn đang nỗ lực tìm cách chinh phục khách hàng Myanmar, Lào và bảo đảm sản lượng cung cấp cho thị trường Campuchia. "Hy vọng sắp tới, RCEP được thông qua, con đường xuất khẩu sang ASEAN sẽ bằng phẳng hơn" - ông Vinh bày tỏ.
Chương 2 của hiệp định quy định về thực hiện lộ trình tự do hóa thuế quan của các bên đính kèm tại phụ lục I. Theo đó, Việt Nam cho các nước ASEAN và các nước đối tác tỉ lệ tự do hóa thuế quan không cao hơn mức cam kết trong các FTA ASEAN+1 hiện hành, cụ thể: chào cho ASEAN là 90,3%, Úc và New Zealand là 89,6%, Nhật Bản và Hàn Quốc là 86,7%. Với Trung Quốc, Việt Nam chào tỉ lệ tự do hóa thuế quan 85,6% (phù hợp với cam kết của Việt Nam trong FTA ASEAN - Trung Quốc và chính sách thuế hiện hành của ta), nhằm giảm tối đa khả năng tăng nhập siêu từ thị trường này khi thực thi RCEP.
Trong khi đó, các nước đối tác chào cho Việt Nam tỉ lệ tự do hóa thuế quan cao hơn ta chào cho các nước đối tác tương ứng, cụ thể: Úc xóa bỏ 92%, New Zealand xóa bỏ 91,4%, Nhật Bản xóa bỏ 90,4%, Hàn Quốc xóa bỏ 90,7% và Trung Quốc xóa bỏ 90,7%.
Có thể dùng chung chứng nhận C/O
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), RCEP tích hợp một số FTA mà ASEAN đã ký trước đó. Do đó, khi RCEP có hiệu lực, DN xuất khẩu có thể dùng chung một mẫu giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thay vì từng mẫu C/O cho từng thị trường như hiện nay, giúp đơn giản thủ tục hơn cho DN.
Ngoài ra, RCEP còn giúp DN mở rộng thị trường nhờ hưởng ưu đãi về thuế quan. "Tuy nhiên, hiện DN vẫn còn băn khoăn về quy tắc xuất xứ, liệu nguyên liệu trong RCEP có được xem là nội khối và được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang các nước thành viên hay chỉ các nước ASEAN mới được tính là nội khối như trước" - ông Trương Đình Hòe bày tỏ.
Bình luận (0)