Sáng 15-11, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan, bằng hình thức trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị cấp cao các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 4.
Mở ra giai đoạn hợp tác mới
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các nước Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Tổng Thư ký ASEAN tại các điểm cầu.
Sau khi kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các nước đối tác đã chứng kiến việc bộ trưởng kinh tế của 15 quốc gia ký kết hiệp định quan trọng này từ các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng sau 8 năm làm việc khó khăn, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới đầy hứa hẹn tốt đẹp.
Thủ tướng nhận xét trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực đang gặp những trở lực và thách thức to lớn không chỉ từ dịch Covid-19 mà còn từ sự suy giảm của thương mại quốc tế, việc kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP - một hiệp định thương mại tự do có quy mô lớn nhất thế giới - sẽ là thông điệp mạnh mẽ khẳng định vai trò đi đầu của ASEAN trong ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, đóng góp vào việc tạo lập cấu trúc thương mại mới ở khu vực, thuận lợi hóa thương mại một cách bền vững và phát triển chuỗi cung ứng đang bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ quá trình hồi phục sau đại dịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết Hiệp định RCEP Ảnh: BỘ NGOẠI GIAO
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo về Hiệp định RCEP được công bố sau hội nghị khẳng định việc ký Hiệp định RCEP thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế, phát triển toàn diện, tạo việc làm và tăng cường chuỗi cung ứng khu vực cũng như ủng hộ một thỏa thuận thương mại và đầu tư tự do, toàn diện, dựa trên luật lệ. Hiệp định RCEP là giải pháp cấp bách để ứng phó với đại dịch Covid-19 của khu vực và trong việc xây dựng khả năng tự cường thông qua quá trình phục hồi kinh tế bền vững hậu đại dịch.
Là một hiệp định với thị trường 2,2 tỉ dân (chiếm 30% dân số thế giới), tổng GDP 26.200 tỉ USD, tương đương 30% GDP toàn cầu và chiếm gần 28% thương mại toàn cầu (dựa trên số liệu năm 2019), Hiệp định RCEP là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, thể hiện một bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ luật lệ lý tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu.
Với 20 chương, bao gồm các lĩnh vực và nguyên tắc chưa từng có trong các hiệp định thương mại tự do trước đây giữa ASEAN và các nước đối tác, bên cạnh các điều khoản cụ thể về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư, Hiệp định RCEP còn bao gồm các chương về sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, cạnh tranh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác kinh tế - kỹ thuật và mua sắm của chính phủ.
Các nhà lãnh đạo giao quan chức các nước đẩy nhanh thủ tục phê chuẩn trong nước để hiệp định sớm có hiệu lực, khi ít nhất 6 quốc gia thành viên ASEAN và 3 nước đối tác gửi văn kiện phê chuẩn đến cơ quan lưu chiểu theo quy định của hiệp định.
Lợi ích lâu dài
Bên lề lễ ký kết Hiệp định RCEP, trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. Trước tình hình thế giới đầy biến động, gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam. Qua đó, góp phần thực hiện chính sách xây dựng nền sản xuất định hướng xuất khẩu.
Việc thực hiện Hiệp định RCEP cũng tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp..., góp phần giúp môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, với các khung khổ hợp tác mới được đưa ra trong Hiệp định RCEP cùng với các hiệp định thương mại tự do trước đây, Việt Nam cùng một số nước ASEAN đang trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế. Những lợi ích này thường mang ý nghĩa lâu dài cho nền kinh tế.
Để mở cho sự gia nhập của Ấn Độ
RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN (Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) và 5 nước đối tác: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand.
Trước đó, Ấn Độ đã tham gia đàm phán RCEP cùng các nước từ cuối năm 2012. Song, sau cuộc đàm phán vào ngày 4-11-2019, Ấn Độ đã rút khỏi hiệp định do còn nhiều điểm chưa được giải quyết.
Sau khi ký kết RCEP, đánh giá cao vai trò của Ấn Độ đối với Hiệp định RCEP, các nhà lãnh đạo khẳng định lại rằng hiệp định này vẫn mở cửa cho Ấn Độ tham gia. Việc tham gia của Ấn Độ vào RCEP sẽ được hoan nghênh, với tư cách là một trong 16 quốc gia ban đầu tham gia đàm phán Hiệp định RCEP từ năm 2012 và có tầm quan trọng chiến lược trong việc tăng cường và mở rộng chuỗi giá trị khu vực.
Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37
Chiều 15-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan cùng lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei.
Tại buổi họp báo sau lễ bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 đã thành công tốt đẹp với hơn 20 phiên họp cấp cao, hơn 80 văn kiện đã được thông qua, số lượng lớn nhất từ trước đến nay.
Hội nghị đã thảo luận, bàn bạc những vấn đề hết sức thiết thực, cụ thể đối với các nước, đặc biệt với gần 630 triệu người dân ASEAN.
Trong đó có những giải pháp cần thiết để phòng chống dịch Covid-19 một cách tốt nhất với những biện pháp hết sức cụ thể, mạnh mẽ. Nhiều sáng kiến của ASEAN về hợp tác ứng phó Covid-19 và các nguy cơ dịch bệnh được công bố và đưa vào triển khai, như Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19, kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, quy trình ứng phó chuẩn của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, trung tâm y tế ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi...
Các bên cũng đã thảo luận những biện pháp thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển sản xuất - kinh doanh, giải quyết việc làm trong nội khối ASEAN, trong đó có một sự kiện rất nổi bật là ký kết Hiệp định RCEP.
ASEAN cũng đã thảo luận các vấn đề về an ninh, hòa bình trong khu vực, nhất là vùng biển ASEAN và các đối tác liên quan để các bên ngày càng hiểu biết nhau hơn, với luật pháp quốc tế làm nền tảng.
Tại hội nghị lần này, lần đầu tiên ASEAN tổ chức Thượng đỉnh phụ nữ ASEAN với sự góp mặt của đông đảo nhà lãnh đạo nữ trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng đánh giá cao đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN. Thành công của Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh với sự tham gia của 2.500 doanh nghiệp tại nhiều nước đã tạo không khí mới cho hợp tác giai đoạn mới sau khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực.
Trong nhiều năm qua, quan hệ đối ngoại đã trở thành một phần quan trọng trong hợp tác ASEAN, đặc biệt lần này Hội nghị Đông Á với 10 nước ASEAN và các nước đối tác đã thảo luận một cách khách quan, trách nhiệm, trên tinh thần hợp tác và đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, thể hiện một lần nữa hình ảnh năng động, kết nối, gần gũi, thân ái của ASEAN, nâng cao vị thế của ASEAN.
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo đều khẳng định trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 và tình hình quốc tế, khu vực, vấn đề hợp tác, bảo đảm hòa bình, ổn định trở nên cấp thiết hơn lúc nào hết. Tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, các quyền chính đáng của các quốc gia theo luật pháp quốc tế được các nước đề cao và nhấn mạnh.
Lãnh đạo các nước đều quyết tâm và khẳng định hướng tới xây dựng khu vực biển Đông hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác, nơi tự do hàng hải và hàng không được bảo đảm, mọi hoạt động trên biển đều dựa trên khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Các nước đề cao việc kiềm chế, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), ASEAN và Trung Quốc sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam tôn trọng quyết định của người dân Mỹ, dù ai thắng cử thì nước Mỹ vẫn là bạn, có quan hệ tốt đẹp với Việt Nam trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và quan hệ ASEAN - Mỹ cũng tốt đẹp như vậy.
Bình luận (0)