Theo ông Tống, bất cập lớn nhất là chính sách thuế. Trong khi DN nhập khẩu máy móc nguyên chiếc thì được hưởng thuế suất 0% thì DN sản xuất trong nước nhập khẩu linh kiện sản xuất phải chịu thuế 10%. Sự chênh lệch về thuế dẫn đến sự bất hợp lý về giá thành sản phẩm, cộng với thương hiệu sản phẩm chế tạo tại Việt Nam không thể so sánh với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… đã dẫn đến đầu ra sản phẩm của DN nội bị hạn chế. Bên cạnh đó, đang có sự phân biệt đối xử giữa DN nội và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
DN FDI được các cơ quan chức năng tích cực hỗ trợ về cơ chế, đất đầu tư nhà xưởng… tạo thuận lợi tối đa; ngược lại DN nội phải chật vật tự tìm đất sản xuất, khó tiếp cận cơ chế hỗ trợ. DN nội cũng rất khó chen chân vào chuỗi cung ứng vì các DN FDI ưu tiên sử dụng sản phẩm của các vệ tinh. "Cùng với việc thu hút FDI cần ràng buộc tỉ lệ sử dụng sản phẩm nội địa. Có như vậy DN FDI mới buộc phải hợp tác với DN nội" - ông Tống kiến nghị.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong gặp gỡ doanh nghiệp ngành cơ khí - điện
Trao đổi với các DN, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng ngành này còn khiêm tốn (chỉ 4,4%-5%), trong đó có nguyên nhân từ thể chế và chính sách. Theo ông Phong, chung quy ý kiến của DN vẫn là thủ tục hành chính quá rườm rà, gây khó cho DN. Trụ cột của Chính phủ kiến tạo, thành phố kiến tạo là cải cách thủ tục hành chính, TP đang rất nỗ lực nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, trì trệ.
Vẫn còn hiện tượng các cơ quan chức năng đùn đẩy trách nhiệm gây phiền hà đến DN, người dân. Thay mặt chính quyền, Chủ tịch UBND TP xin lỗi DN. "Những vấn đề thuộc thẩm quyền TP sẽ được tháo gỡ ngay, vấn đề vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị trung ương. Chậm nhất là giữa tháng 8, TP sẽ có một số chính sách hỗ trợ DN phát triển mạnh hơn" - ông Phong nói.
Bình luận (0)