Lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh với quy mô thị trường có thể đạt 180 tỉ USD trong 3 năm tới. Theo quy hoạch, đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.500 siêu thị. Như thế, dư địa tiêu thụ hàng hóa trong kênh siêu thị còn rất lớn. Tuy vậy, do nhiều tiêu chuẩn về chứng nhận hàng hóa, vận chuyển, chiết khấu… mà doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp không thể cạnh tranh được với DN lớn trong việc khai thác hệ thống phân phối này.
Không thể thuyết phục bằng niềm tin
Ông Nguyễn Văn Tuân, Phó Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Thế Hệ Mới, cho biết với sản phẩm gạo sạch của công ty, khi đưa ra thị trường, phải thuyết phục từng khách hàng để họ có niềm tin về chất lượng. Kết quả, một lượng không nhỏ đơn vị bán lẻ là các cửa hàng, chuỗi cửa hàng thực phẩm… đã tin tưởng.
Doanh nghiệp khởi nghiệp rất cần sự hỗ trợ đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Trong ảnh: Sản phẩm chào hàng của các doanh nghiệp tại một hội nghị kết nối cung cầu Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Theo vị phó giám đốc này, sản phẩm gạo sạch của ông đang được phân phối qua các cửa hàng thực phẩm sạch như Sói Biển, Hello Măm… Những hệ thống này chấp nhận sản phẩm gạo sạch sau khi được công ty mời đến nơi sản xuất khảo sát cách trồng, tiếp xúc nông dân để nắm bắt thông tin về quản lý chất lượng…
Tuy nhiên, ông Tuân cho rằng không thể dùng cách thức này để thuyết phục các nhà phân phối lớn. "Việt Nam chưa có hệ thống tiêu chuẩn, hệ thống chứng nhận với sản phẩm hữu cơ. Do đó, khi chúng tôi đưa sản phẩm đến, các nhà phân phối lớn khó chấp nhận bởi mình chưa có đầy đủ giấy tờ chứng nhận sản phẩm hữu cơ. Trong khi đó, quy định của các kênh bán lẻ hiện đại rất chặt chẽ về mặt thủ tục. Đây chính là rào cản cho các DN khởi nghiệp" - ông Tuân nhìn nhận.
Trả lời báo chí bên lề một hội nghị kết nối cung cầu tại Hà Nội mới đây, ông Lê Ngọc Anh, chủ thương hiệu nước mắm Lê Gia, thừa nhận do DN có quy mô nhỏ, sản lượng không cao nên cũng chỉ mới thâm nhập được một thị trường "ngách" là vài hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch. "Cách đây 3 năm, chúng tôi tích cực đi chào hàng với các siêu thị nhưng tỉ lệ lắc đầu lên đến 99%. Có những chỗ phải đi lại đến 10 lần để cố thuyết phục nhà phân phối, rất gian nan nhưng cũng quá khó trong việc xây dựng lòng tin với những nhà bán lẻ. Khó khăn hơn nữa còn bởi sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp có lợi nhuận không cao nên những "người nhỏ" rất khó cạnh tranh trong cuộc chiến với các ông lớn" - ông Ngọc Anh phân tích.
Chủ một nhãn hiệu mì, bánh phở khô cho rằng để vào được các siêu thị lớn, sản phẩm hữu cơ phải đáp ứng yêu cầu của họ về sản lượng, cách thức cung ứng hàng hóa và gối đầu sản phẩm. Cùng đó là các quy định chung về khuyến mãi, chiết khấu, đổi trả hàng khi hỏng… "Sản phẩm của chúng tôi hạn sử dụng ngắn, khó đáp ứng các yêu cầu về dự phòng rủi ro của siêu thị. Ngoài ra, để làm được đủ thủ tục cam kết sản phẩm không có chất bảo quản cũng rất gian nan" - chủ nhãn hiệu này ngán ngẩm.
Chờ chính sách
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, nhận xét phần lớn DN khởi nghiệp hiện nay vẫn dựa chủ yếu vào kênh internet như Facebook hay website để tiếp cận người tiêu dùng. Về lâu dài, khối DN này mong muốn có một chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa của họ vào hệ thống siêu thị. Bởi, những sản phẩm của DN khởi nghiệp luôn có sự sáng tạo, đầu tư về chất xám lớn nên rất cần có sự trợ giúp trong giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, theo bà Loan, ngay cả những DN có quy mô lớn cũng không dễ đưa hàng vào siêu thị do các yêu cầu đầu vào rất cao; trong đó đòi hỏi phải có chứng nhận chất lượng, y tế hay nhãn dán hàng hóa… Do đó, DN kể cả DN quy mô lớn hay nhỏ, không nên đi theo lối mòn là chỉ trông chờ vào một kênh phân phối đơn lẻ mà phải chủ động phát triển đa kênh.
Góp ý về chính sách, ông Nguyễn Văn Tuân cho rằng cộng đồng DN khởi nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm hữu cơ rất mong có một nghị định về sản phẩm hữu cơ. Từ đó, các tiêu chuẩn sẽ được ban hành, hệ thống chứng nhận cũng có cơ sở để xây dựng và sản phẩm nông nghiệp sạch có cơ hội được chứng minh trên mặt giấy tờ để đủ điều kiện tiếp cận thị trường.
Theo DN sản xuất bún, phở khô nói trên, mong muốn của các DN khởi nghiệp nói chung là có sự hỗ trợ thông tin về thủ tục pháp luật, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục pháp lý để sớm đưa sản phẩm ra thị trường. Cùng đó, trang thiết bị, máy móc trong sản xuất cũng là vấn đề cần sự quan tâm giúp đỡ bởi DN khởi nghiệp thường có quy mô nhỏ dẫn đến đội giá thành trong sản xuất lẫn phân phối. "Chúng tôi sản xuất được 3 năm nhưng mất đến 1 năm rưỡi dò dẫm tìm cách có đầy đủ giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất của mình đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và đủ điều kiện thương mại ra thị trường. Nhiều khi sản xuất là một chuyện nhưng thương mại là chuyện khác, mất nhiều thời gian để đáp ứng" - DN này dẫn chứng.
Bình luận (0)