Thông tư 23 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền, công nghệ đã qua sử dụng với mục đích khuyến khích doanh nghiệp (DN) trang bị máy móc mới phục vụ sản xuất nhưng lại trở thành rào cản lớn.
Trước đó, năm 2014, bộ này cũng đã ban hành Thông tư 20 quy định nội dung tương tự nhưng vấp phải sự phản ứng từ cộng đồng DN nên bị tạm ngưng.
Áp dụng cứng nhắc
Ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam, cho rằng việc hạn chế nhập khẩu máy móc thiết bị cũ để tránh biến Việt Nam thành “bãi rác công nghệ” là đúng. Tuy nhiên trên thực tế, việc áp dụng quy định này quá cứng nhắc đang làm phát sinh nhiều khó khăn cho DN.
Bosch có trung tâm nghiên cứu sản xuất linh kiện ô tô, thường xuyên thí nghiệm những sản phẩm mới, vật dụng linh kiện mới cho ngành sản xuất ô tô của tập đoàn trên toàn cầu. Một sản phẩm trước khi tung ra thị trường phải thử nghiệm ở nhiều nước khác nhau thì không thể gọi là thiết bị “đã qua sử dụng” được.
“Đơn cử, một chiếc xe hơi trước khi sản xuất hàng loạt để bán thì phải được chạy thử trong môi trường - 45 độ C ở Bắc Cực hoặc trên 50 độ C ở sa mạc Sahara, buộc nhà sản xuất phải nhập chiếc xe này qua nhiều nước nên không thể đánh đồng là “đã qua sử dụng” và cấm nhập vào Việt Nam” - ông Huệ dẫn chứng.
Bà Sherry Boger, Chủ tịch Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (Amcham), cho rằng những quy định trong Thông tư 23 sẽ cản trở hoạt động đầu tư, nhập khẩu máy móc công nghệ của DN, thậm chí còn trì hoãn hoặc hạn chế chuyển giao các thiết bị sản xuất công nghệ cao cho Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn, ô tô, xe máy, sản xuất tấm nền màn hình, pin quang học…
Dẫn lời một DN tại Mỹ, bà Sherry Boger nói trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị sản xuất trị giá nhiều triệu USD hiện nay trên thế giới, chi phí tiết kiệm được khi mua thiết bị đã qua sử dụng bình quân có thể lên tới 50%. “Mua máy mới vừa phải chờ đợi lâu vừa tốn kém hơn nên các nhà đầu tư thích nhập những loại máy móc phục vụ sản xuất chất lượng cao đã qua sử dụng bằng cách chuyển từ cơ sở sản xuất ở các nước khác như Trung Quốc, Mexico, Costa Rica hay Malaysia về Việt Nam” - bà Sherry Boger phân tích.
Nước ngoài cho nhập, Việt Nam hạn chế!
Theo ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác đầu tư và thương mại, Diễn đàn DN Việt Nam, quy định trong Thông tư 23 thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các nhà sản xuất, đặc biệt là DN trong lĩnh vực công nghệ cao muốn đến Việt Nam cùng với trang thiết bị, máy móc dù đã qua sử dụng.
Ngay những sản phẩm hiện đại nhất đôi khi còn bao gồm cả trang thiết bị đã qua sử dụng, như việc lắp đặt dây chuyền lắp ráp và kiểm định chip máy vi tính đòi hỏi DN phải nhập khẩu cần trục được thiết kế đặc biệt và phục vụ cho mục đích cụ thể đang được sử dụng gần nhất tại Malaysia nhưng theo quy định trong Thông tư 23 thì thiết bị này bị cấm nhập vào Việt Nam.
Phân tích kỹ hơn, ông Fred Burke cho biết Thông tư 23 quy định thiết bị nhập về Việt Nam đã qua sử dụng không quá 10 năm. “Sau khi DN góp ý, Thông tư 23 có thêm quy định miễn trừ cho thiết bị đã qua sử dụng trong điều kiện được liệt kê ở hồ sơ dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đã được phê duyệt. Điều này hỗ trợ DN trong việc di chuyển máy móc, thiết bị sản xuất đến Việt Nam. Tuy nhiên, thông tư này vẫn còn khá nhiều rào cản” - ông Fred Burke nhìn nhận.
Một số hiệp hội DN nước ngoài cho rằng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt rất quan trọng nhờ sức hút từ các hiệp định thương mại tự do, nhiều tập đoàn đa quốc gia đang cân nhắc dịch chuyển hoạt động đến Việt Nam giúp tạo việc làm, tăng thu thuế và chuyển giao công nghệ. Nếu Việt Nam không điều chỉnh môi trường quản lý phù hợp sẽ đánh mất cơ hội mang tính lịch sử này.
Cần năng lực quản lý
Tổng giám đốc một DN nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam cho rằng để tránh sự rập khuôn, máy móc khi áp dụng Thông tư 23, đòi hỏi năng lực thẩm định, sự khôn khéo của những người thực thi. Ở các nước, bài toán này được giải quyết bằng cách cơ quan quản lý phải nắm vững về công nghệ, am hiểu máy móc nào cũ nhưng không hại môi trường để đưa ra tiêu chí đánh giá đầu tư phù hợp với quá trình phát triển của Việt Nam.
Bình luận (0)