Ngày 14-3, tại TP HCM, Tổ chức Xúc tiến và Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã tổ chức cuộc họp trao đổi về những vướng mắc trong lĩnh vực thực phẩm của doanh nghiệp (DN) Nhật Bản với các bộ, ngành.
Tránh để cán bộ quản lý lợi dụng
Đại diện DN Nhật cho biết đối với thực phẩm lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam, trước khi nhập khẩu, DN phải làm thủ tục đăng ký công bố hợp quy với cơ quan quản lý và phải tiến hành kiểm nghiệm sản phẩm. Trong trường hợp sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam, sau khi làm hồ sơ đăng ký, dù đã nộp kết quả kiểm nghiệm thành phần của sản phẩm nhưng phía Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế vẫn thường yêu cầu nộp kết quả kiểm nghiệm bổ sung và nộp các lệ phí không chính đáng. Theo đại diện DN này, việc yêu cầu kiểm tra bổ sung bên cạnh kiểm nghiệm thành phần thông thường là cần thiết để bảo đảm an toàn thực phẩm và quy trình này thuộc trách nhiệm quản lý của Cục An toàn thực phẩm.
Doanh nghiệp Nhật cho rằng thủ tục thông quan hàng nhập khẩu ảnh hưởng chất lượng sản phẩm, chi phí Ảnh: TẤN THẠNH
"Nếu quyền hạn này bị cán bộ phụ trách lợi dụng để làm giàu cho bản thân sẽ dẫn đến hậu quả, nên cần nâng cao tính minh bạch và khả năng dự đoán về việc yêu cầu kiểm nghiệm bổ sung. Do đó, cơ quan quản lý nên nghiên cứu công khai các tiêu chí về thực phẩm nào, thành phần nào phải nộp kết quả kiểm nghiệm bổ sung. Các cán bộ phụ trách có yêu cầu thu các khoản lệ phí không chính thức cũng cần xử lý triệt để" - đại diện DN Nhật kiến nghị.
Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Lê Văn Giang giải thích: Quy định của Việt Nam liên quan đến vấn đề kiểm nghiệm là sẽ công nhận các kết quả từ phía Nhật nếu kết quả đó được công bố từ những phòng kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn. Và khi sản phẩm nhập về Việt Nam chỉ kiểm tra thêm một số yếu tố chưa đáp ứng đủ. Cơ quan quản lý không tự đặt ra các chỉ tiêu bất thường để làm khó DN và ngoài các quy định đã có thì chỉ tăng cường kiểm tra khi có thông tin cảnh báo từ quốc tế.
Cần giảm tần suất kiểm tra
Trong khi đó, liên quan đến tần suất và thời gian kiểm dịch động thực vật, theo Luật Thú y, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, khi nhập khẩu các mặt hàng thịt, rau củ, quả phải tuân thủ nghĩa vụ kiểm dịch động thực vật. Việc kiểm tra mẫu thử động vật được tiến hành với mỗi lần nhập khẩu nhằm phòng ngừa sự xâm nhập của vi khẩu gây bệnh, sâu hại… Tuy nhiên, theo JETRO, hiện quy định thời gian kiểm tra mẫu thử đối với các mặt hàng thịt khoảng 7 ngày và mặt hàng rau củ, quả là 4 ngày ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sản phẩm và chi phí của DN. Thịt, rau củ, quả là hàng tươi sống cần tính cả thời gian bảo quản trong kho lạnh tại cảng và thời gian kiểm tra. Do đó, độ tươi ngon của thực phẩm bị ảnh hưởng, cộng thêm chi phí tiền điện để bảo quản hàng trong kho lạnh tại cảng cao khiến giá thành bị đội lên. Tại Nhật Bản, các trường hợp phải kiểm dịch động vật phần lớn chỉ mất khoảng vài phút. Nếu kiểm dịch thực vật thông thường với các mặt hàng rau củ, quả cũng mất 2-4 giờ/lần.
Bà Lê Vân Mây, Chủ tịch HĐQT Công ty Thực phẩm Lotus, cho biết cứ 2 ngày, công ty lại nhập lô hàng cá tươi từ Nhật để phục vụ cho các cửa hàng thực phẩm ở Việt Nam nhưng lô hàng nào về cũng phải cắt mẫu để kiểm tra. Một lô hàng khoảng 50 kg cá tươi sẽ cắt 1 kg để kiểm dịch động vật, dù lần nào các chỉ tiêu cũng đạt. DN tốn thời gian kiểm tra, trong khi chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng đáng kể vì hàng tươi sống không thể bảo quản đông lạnh.
"Chúng tôi cũng có xuất khẩu hàng tươi sống qua Nhật, ban đầu họ kiểm dịch 100% nhưng tần suất kiểm tra sẽ giảm dần và chỉ còn 1-2 lần/năm nếu DN xuất cùng mặt hàng, số lượng mỗi lần và không vi phạm. Do đó, cơ quan quản lý có thể xem xét việc giảm tần suất kiểm tra mẫu thử trong phạm vi hợp lý mà vẫn bảo đảm mục đích của việc kiểm dịch, giảm thời gian kiểm tra" - bà Mây kiến nghị.
Trước thông tin DN phản ánh thời gian kiểm dịch mặt hàng thịt khoảng 7 ngày và hàng rau củ, quả là 4 ngày, lãnh đạo các cơ quan quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khá bất ngờ và khẳng định thời gian, thủ tục kiểm tra chuyên ngành với các sản phẩm này đã rút ngắn rất nhiều, tương đương với các nước trong khu vực.
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng theo tinh thần cải cách của Chính phủ, quy trình kiểm dịch thực vật đối với rau, củ, quả nhập khẩu qua đường biên giới tối đa là 4 giờ và qua cảng biển, sân bay tối đa 10 giờ. "Nếu DN Nhật mất tới 4 ngày để thông quan hàng hóa, mong DN cung cấp thông tin để chúng tôi kiểm tra và xử lý ngay những nơi làm không đúng quy định" - ông Trung yêu cầu.
Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cũng cho biết do áp dụng hệ thống đăng ký một cửa quốc gia nên thời gian kiểm tra thông quan đối với sản phẩm động vật nhập khẩu rất nhanh. Nếu DN phải lấy mẫu kiểm tra, theo quy định của Luật Thú y tối đa cũng chỉ 3 ngày chứ không có chuyện tới 7 ngày như DN phản ánh. Để rút ngắn thời gian thông quan, ông Thành khuyến khích DN làm tờ khai qua mạng trước, khi hàng về cán bộ thông quan sẽ kiểm tra hồ sơ trên mạng để tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN.
Giảm thời gian lưu hàng tại cửa khẩu
Ông Đào Duy Tám - đại diện Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan - cho biết việc rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa tại cửa khẩu, nhất là đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch bị kéo dài, cơ quan hải quan đã có quy định cụ thể. Đối với hàng hóa kiểm dịch, DN được phép đưa về các địa điểm bảo quản đã đăng ký với cơ quan hải quan và do đơn vị kiểm dịch xác nhận. Do vậy, thời gian hàng hóa lưu giữ tại cửa khẩu không bị kéo dài, điều này giúp giải quyết những khó khăn, chi phí phát sinh cho DN trong thời gian lưu giữ hàng hóa tại cửa khẩu.
Bình luận (0)