Ông Ian Gibbons, Tổng Lãnh sự Anh tại TP HCM, cho hay đây là phái đoàn doanh nghiệp (DN) về năng lượng quy mô lớn nhất của Anh từ trước đến nay đến làm việc và tìm kiếm cơ hội hợp tác chiến lược, lâu dài với các công ty Việt Nam. EIC Connect Energy Vietnam 2018 được tổ chức trên cơ sở khảo sát của EIC về các quốc gia có nhu cầu sử dụng năng lượng và đầu tư các dự án năng lượng lớn nhất thế giới trong vòng 5 năm tới, trong đó Việt Nam thuộc tốp 10 quốc gia đứng đầu.
Các doanh nghiệp trao đổi tìm cơ hội hợp tác tại EIC Connect Energy Vietnam 2018
Trao đổi với các DN tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết từ năm 2015 đến nay, Việt Nam đã trở thành nước nhập khẩu tinh năng lượng do nhu cầu năng lượng phục vụ cho phát triển kinh tế tăng cao trong khi nguồn năng lượng sơ cấp hạn chế. Năm 2015, tổng cung cấp năng lượng sơ cấp của Việt Nam là 70,6 triệu tấn dầu quy đổi (TOE), gồm 75,5% năng lượng thương mại và 24,5% năng lượng phi thương mại.
Dự báo đến năm 2035 tổng nhu cầu năng lượng sẽ tăng gần 2,5 lần so với năm 2015: từ 54 triệu TOE năm 2015 lên khoảng 90 triệu TOE năm 2025 và 134,5 triệu TOE vào 2035. Thực trạng trên khiến ngành năng lượng Việt Nam đang và sẽ đối mặt vấn đề an ninh năng lượng quốc gia do phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Song song đó, tốc độ tăng cao nhu cầu năng lượng gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cũng như thách thức về các tác động môi trường của các hoạt động cung cấp năng lượng sẽ ngày càng gia tăng.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực - Bộ Công Thương, bên cạnh việc phát triển năng lượng truyền thống, những năm gần đây, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo. Chỉ riêng lĩnh vực điện mặt trời, sắp tới sẽ có 33 dự án đầu tư được triển khai. DN nhiều quốc gia đã đầu tư vào các dự án năng lượng cũng như cung cấp thiết bị công nghệ cho các dự án năng lượng tại Việt Nam. Nổi bật nhất là Nhật, Hàn Quốc, Pháp. Trung Quốc, Ý… riêng DN Anh tham gia chưa nhiều.
Bình luận (0)