Tại buổi họp chủ đề "Tái chế nhựa phế liệu, cơ hội cho ngành nhựa Việt Nam" sáng 14-8 ở TP HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) thành viên Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết họ đang rơi vào cảnh điêu đứng, thậm chí có thể phá sản do hàng ngàn container nhựa phế liệu là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất còn nằm ở cảng không biết đến khi nào.
Theo ông Trần Vũ Lê, Giám đốc Công ty TNHH Nhựa Lê Trần, năm 2018 công ty ông dự kiến xuất khẩu 30 triệu USD sản phẩm nhựa. Hợp đồng đã ký cho cả năm, nếu tình hình thiếu hụt nhựa tái chế làm nguyên liệu sản xuất kéo dài, công ty có khả năng phải đền hợp đồng. Nếu thay thế nhựa tái chế bằng nhựa "zin" sẽ lỗ khoảng 10 triệu USD.
"Tôi biết nhiều DN trong ngành đã đầu tư nhà máy 100 - 200 tỉ đồng để xuất nguyên liệu nhựa sử dụng nhựa tái chế nhập khẩu đang phải ngưng hoạt động. Nhà xưởng bỏ không trong khi hằng tháng phải trả lãi ngân hàng ít nhất 1 tỉ đồng" – ông Lê cho biết.
Theo các DN, hiện có hơn 4.000 container phế liệu nhựa đang tồn ở cảng, chỉ tính riêng chi phí lưu container mà họ phải trả cho các công ty vận chuyển đã lên đến 50-100 USD/ngày. Mỗi container chứa khoảng 10.000 USD sản phẩm, nếu tính thời gian hàng bị ách lại cảng 2-3 tháng nay thì chi phí lưu container đã cao hơn giá trị hàng hóa. Cộng gộp lại, thiệt hại do việc ách tắc này cực kỳ lớn.
Theo ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch VPA, các cơ quan chức năng thời gian gần đây xem xét kỹ lưỡng và rất hạn chế cấp phép nhập khẩu nguyên liệu từ phế thải là do nhiều container phế liệu nhập khẩu về Việt Nam bị phát hiện chứa loại phế thải không đúng quy định. Tuy nhiên, ngành nhựa Việt Nam sử dụng tới 80% lượng nguyên liệu nhập khẩu nên việc nhà nước đột ngột siết chặt quy định nhập khẩu đã gây nhiều hệ lụy cho DN.
Hiện có hơn 4.000 container phế liệu nhựa đang tồn ở cảng. Ảnh: Hoàng Triều
Hiện nay, DN nhập khẩu nhựa phế liệu không thông quan được hàng, DN sản xuất sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế tê liệt sản xuất, một số ngân hàng đã ngừng giải ngân cho vay vốn vì họ sợ DN không rút được hàng từ cảng hay xây dựng nhà máy xong lại không được cấp phép nhập khẩu nguyên liệu có thể dẫn tới không sản xuất được.
"PVA kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường thay đổi phương pháp quản lý sao cho tạo điều kiện cho DN nhập khẩu hầu hết các loại nhựa tái chế. Bộ Tài chính cần cho thông quan các container hàng nhựa đã qua sử dụng đang tồn tại các cảng biển, cho nâng luồng kiểm tra xác suất để giám sát chặt chẽ mặt hàng nhựa phế liệu và hàng đã qua sử dụng" – ông Lam nêu quan điểm.
Bình luận (0)