Ngày 2-8, tại cuộc họp Tăng cường kiểm soát và xử lý hàng hóa container phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng biển Việt Nam do Cục Hàng hải - Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ở TP HCM, nhiều ý kiến chỉ ra rằng chưa có sự phối hợp giữa các ban, ngành, doanh nghiệp (DN), cảng, hãng tàu, hải quan... trong công tác kiểm soát hàng nhựa phế liệu. Tiến trình xử lý còn chậm, thủ tục chồng chéo khiến xử lý hàng tồn đọng gặp nhiều vướng mắc.
Doanh nghiệp vận chuyển và chủ hàng đã bỏ trốn
Ông Nguyễn Phương Nam, Giám đốc Trung tâm Điều độ - Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết từ đầu tháng 7-2018 đến nay, các cảng hầu như không nhập phế liệu nhựa, chỉ nhập phế liệu giấy (về Cát Lái) và thép (về Cái Mép). Các cảng hiện tồn đọng 9.000 teu, tương đương 4.500 container hàng tồn phế liệu chủ yếu nhựa và giấy. Các DN vận chuyển và chủ hàng đã bỏ trốn. Ông Phan Trọng Lâm, Phó Tổng Giám đốc cảng VICT, nhận định Việt Nam đang có xu hướng trở thành "lỗ rốn" hàng phế liệu. Việc xử lý hàng tồn, hàng nhập phế liệu nhựa có đến 6 luật và 10 đơn vị chi phối nhưng lại thiếu "nhạc trưởng" nên rất khó cho DN.
Rác thải phế liệu tồn ở cảng
Ông Bùi Việt Anh, đại diện hãng tàu Cosco, cho rằng năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép nhập khẩu phế liệu quy định phế liệu phải băm nhỏ, hàng thực tế về chưa băm nhỏ thì phải tái xuất, làm khó cho hãng tàu. "Chính phủ cần nhanh chóng thành lập tổ chuyên xử lý hàng tồn đọng với sự tham gia của nhiều đơn vị có liên quan để gỡ vướng hàng tồn cho DN. Hiện DN đang gặp khó khăn vì phải bổ sung hồ sơ ở 2-3 nơi… Ngoài ra, cần có hướng mở cho các DN có giấy phép nhập hàng" - ông Việt Anh đề xuất.
Phải có chế tài
Trong việc xử lý 4.500 container hàng phế liệu đang "nằm" ở cảng, các hãng tàu khẳng định mình đang là nạn nhân, việc lưu giữ container ở cảng gây nhiều thiệt hại. Lập luận các hãng tàu đưa ra là về nguyên tắc kiện hàng được niêm phong, hãng tàu không biết hàng hóa bên trong thế nào và không kiểm tra được hàng hóa khách đưa lên tàu. Đại diện hãng tàu M. đề nghị cơ quan chức năng đưa lên hệ thống chung danh sách DN được nhập khẩu phế liệu để hãng tàu biết. Ngoài ra, việc xử lý hàng tồn đọng không chỉ đăng báo (trong vòng 60 ngày) mà cần thông báo trực tiếp đến chủ hàng, có chế tài đối với người nhập khẩu bỏ hàng.
Theo ông Nhữ Đình Thiện, Ban Thư ký Hiệp hội Đại lý và Môi giới vận tải, các hãng tàu luôn biết rõ hàng hóa mình vận chuyển nên không thể nói hãng tàu là nạn nhân. "Phải kiên quyết trả về nơi xếp hàng đối với những container hàng không đạt yêu cầu nhập khẩu" - ông Thiện nêu ý kiến. Cũng theo ông Thiện, luật có quy định trục xuất hàng hóa nhưng chưa có biện pháp chế tài nên sau sự cố này, cần có quy định về các chế tài cụ thể. Phế liệu là mặt hàng nguy hại đặc biệt nên chỉ cấp phép cho những đơn vị có chức năng, nhà máy xử lý, tránh việc cấp phép tràn lan để DN lợi dụng mua bán thương mại.
Ông Bùi Thiên Thu, Cục phó Cục Hàng hải, đặt vấn đề DN bỏ trốn, cảng từ chối, hãng tàu không nhận... thì trách nhiệm thuộc về ai? Trong khi các bên đều nhận mình làm đúng nhiệm vụ, trách nhiệm nhưng tựu trung lại là chưa có sự phối hợp. "Chúng tôi sẽ báo cáo và đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ sớm để có cơ chế phối hợp các cơ quan liên quan, cần phải có "nhạc trưởng" chỉ đạo giải quyết tình trạng tồn đọng hàng phế liệu này. Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần công bố danh sách các DN đủ điều kiện, sớm sửa Thông tư 41. Bộ Tài chính sớm sửa Thông tư 203 để rút ngắn thời gian cũng như điều kiện xử lý hàng tồn đọng nhanh hơn" - ông Thu nói.
Bình luận (0)