xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nghiệp nỗ lực trở lại "đường đua" (*): Mong chính sách hỗ trợ thật mạnh mẽ!

Thanh Nhân - Minh Chiến - Ngọc Ánh ghi

Cộng đồng doanh nghiệp đang gắng sức vượt khó để phục hồi ngay trong giai đoạn dịch Covid-19 còn chưa được kiểm soát hoàn toàn, song cần nhiều hơn nữa trợ lực từ nhà nước

. Ông NGUYỄN PHƯỚC HƯNG, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA):

Chính sách hỗ trợ còn ít hiệu quả

Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang phải hoạt động trong điều kiện thiếu hụt lao động, giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển, logistics… tăng cao. Đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã đẩy giá thành sản xuất bình quân tăng 47% trong khi giá bán ra chỉ tăng 17%. Trong một số lĩnh vực, sản phẩm bị mất thị trường, tồn kho tăng 30% so với bình quân các năm trước. Chưa kể, các chi phí vận chuyển, kho bãi, container xuất khẩu, phí cảng biển… đang lấy đi 70% lợi nhuận của DN…

Khảo sát mới đây của HUBA cho thấy có đến 51% DN hội viên bị giảm hoặc không có lợi nhuận, lỗ vốn; 44% DN thiếu vốn kinh doanh; 53% DN thiếu lao động phù hợp; 51% DN bị hạn chế chuỗi cung ứng… Trong khi đó, việc gia hạn thuế thu nhập DN và thuế GTGT có thời hạn quá ngắn, ít hiệu quả; chính sách giảm lãi vay ngân hàng và cơ cấu lại nợ đã được ban hành nhưng chỉ 9% DN được tiếp nhận hiệu quả...

64% hội viên HUBA kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các gói hỗ trợ về thuế, phí, tiền thuê đất; 70% kiến nghị Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tiền vay, lãi suất vay; 40% mong muốn được hỗ trợ tiền điện, phí viễn thông; 55% muốn được Chính phủ hỗ trợ người lao động; 26% muốn được hỗ trợ đất đai, nhà xưởng...

. Ông NGUYỄN ĐÌNH TÙNG, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vina T&T:

Phát huy lợi thế ngành nông nghiệp

Việt Nam có nhiều lợi thế về nông sản, thực phẩm với nhiều mặt hàng vẫn tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh - khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Do đó, Chính phủ, các bộ - ngành, địa phương cần xem phát triển lĩnh vực chế biến, bảo quản, logistics nông sản là khâu then chốt tạo giá trị gia tăng trong nông nghiệp cũng như góp phần hồi phục kinh tế.

Tại những vùng nguyên liệu lớn của nông sản như ĐBSCL, cần có chính sách thúc đẩy công nghiệp chế biến, bảo quản tại chỗ với tính liên vùng, kết nối hạ tầng sông, biển để nâng tính cạnh tranh cho nông sản Việt. Các địa phương cần tập trung xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn, tổ chức liên kết sản xuất bền vững, nhất là liên kết HTX và DN phân phối. Thực tế, nơi nào liên kết tốt thì chỗ đó phát huy được hiệu quả sản xuất, như vùng trồng xoài ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), vú sữa Kế Sách (Sóc Trăng). Việc phát triển vùng trồng phải gắn với tiêu thụ, tiến trình đàm phán mở cửa thị trường.

Đặc biệt, Chính phủ, ngành nông nghiệp, các địa phương cần quan tâm nâng cao chất lượng đổi mới sáng tạo và năng lực thị trường theo hướng làm sao để nông dân có tố chất thương nhân, sản xuất gắn với thị trường.


Doanh nghiệp nỗ lực trở lại đường đua (*): Mong chính sách hỗ trợ thật mạnh mẽ! - Ảnh 1.

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn tới cần thực chất và mạnh mẽ hơn. Ảnh: NGỌC ÁNH

.TRẦN THỊ LAN ANH, Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Hỗ trợ DN tiếp cận vốn

Năm 2022 được dự đoán tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Thời gian tới, cần hỗ trợ hiệu quả DN tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất - kinh doanh. Việc cho phép DN, HTX được giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn - giảm phí hay không phạt trả chậm tín dụng, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 để có thêm thời gian phục hồi, trả nợ và khắc phục nợ xấu là rất cần thiết. Cùng với đó, cần nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất tín dụng 2% đối với các khoản vay thương mại trong chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Các gói vay lãi suất thấp trong thời hạn 3-6 tháng để hỗ trợ DN trả lương cho người lao động trong giai đoạn khôi phục kinh tế cần được triển khai mạnh mẽ.

. Ông TRẦN DUY ĐÔNG, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Cải thiện môi trường kinh doanh

Cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là giải pháp phi tài chính hiệu quả, bền vững để trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển. Việc cải thiện môi trường kinh doanh năm nay sẽ triển khai theo hướng tạo thuận lợi cho DN, giảm thời gian giải quyết thủ tục, giảm thủ tục và chi phí. Bên cạnh đó, dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư - kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn; cải cách kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 cũng đã chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân và DN phục hồi sản xuất - kinh doanh, khắc phục tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Ngày 16-3, Thủ tướng có công điện đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngay đầu năm 2022, Nghị quyết 43/2022/QH15 cũng đã được Quốc hội thông qua nhằm phục vụ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với gói ngân sách lớn chưa từng có tiền lệ, lên tới khoảng 350.000 tỉ đồng.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh phối hợp với các cơ quan liên quan, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất cho vay từ ngân sách nhà nước đối với DN, HTX, hộ kinh doanh. Đồng thời, giao Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ ban hành nghị định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt và tiền thuê đất trong năm 2022.

. Ông BÙI TÁ HOÀNG VŨ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM:

Chủ động hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Theo kế hoạch triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP HCM giai đoạn 2022-2025, từ nay đến hết năm 2025, ngành công thương đặc biệt chú trọng các chính sách hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm lưu thông hàng hóa. Trong đó, tập trung các chương trình kết nối DN với ngân hàng, tổ chức tài chính để hỗ trợ vốn cho DN; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Riêng trong năm 2022, ngành công thương nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - thương mại, đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu tạo đà cho các năm tiếp theo trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra. Cụ thể, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả khả năng cạnh tranh của DN, góp phần chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và phát triển bền vững; phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực có giá trị gia tăng cao; tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với công nghệ thông minh, chuyển đổi số; theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, có biện pháp điều tiết kịp thời; tập trung quy hoạch, đầu tư phát triển các ngành thương mại, logistics...

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 14-3

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo