Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp (DN) hội viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng bởi sự lan rộng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là 2 tuần đầu tháng 3.
Đối với ngành tôm, các DN cho biết đã có từ 35%-50% đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu (EU) bị tạm hoãn giao hàng hoặc hủy do khách không bán được. Tại nhiều nước nhập khẩu, nhiều nhà cung cấp đã linh hoạt giảm giá bán từ 25%- 30% nhưng không thể kích cầu.
Tuy nhiên, theo VASEP, dù xuất khẩu tôm đang gặp khó khăn ở hầu hết các thị trường nhưng nhiều DN vẫn đang cố gắng duy trì sản xuất để giữ công ăn việc làm cho công nhân. Nhiều DN đã phân chia lại lịch làm việc cho phù hợp với mức lương giảm tương ứng, đào tạo tay nghề cho người lao động để có khả năng đáp ứng yêu cầu cao hơn.
Với ngành hàng cá tra, tuy tự chủ được nguyên liệu, không lo thiếu nhưng các đơn hàng xuất khẩu sang EU bị tạm ngừng giao dịch, đơn hàng mới chưa ký lại. Các nhà hàng, khách sạn tạm đóng cửa để ngăn đại dịch Covid-19 nên các đơn hàng phục vụ ngành dịch vụ thực phẩm (Food Service) cũng bị đình trệ, chỉ duy trì đơn hàng cho phân khúc bán lẻ...
Nhiều doanh nghiệp thủy sản đang cố gắng duy trì việc làm cho công nhân - Ảnh minh họa NLĐO
Riêng về ngành hải sản, VASEP cho biết kim ngạch xuất khẩu 2 tháng đầu năm đạt 374 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, giảm mạnh nhất là mực và bạch tuộc, sau đó là cá biển. Tình trạng chung của các DN hải sản là chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì công ăn việc làm cho công nhân chứ không được như cùng kỳ năm trước; công nhân không tăng ca mà còn phải cắt nghỉ luân phiên.
Hiện các DN hải sản tăng sản xuất các sản phẩm chế biến, đặc biệt là đồ hộp do nhu cao từ EU và tận dụng Hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA) là điểm sáng của ngành trong năm nay.
VASEP cho rằng trong khi các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng DN vượt qua giai đoạn này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó để cầm cự đến tháng 6-7 khi thị trường hồi phục thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm.
Đối với cá tra, không lo ngại về nguyên liệu nhưng cần tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị tốt hơn cho năm 2021.
Trong khi đó, một số DN dự báo sang tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 mới có thể hồi phục hoàn toàn.
Riêng xuất khẩu tôm vẫn tăng 2,6% đạt 383 triệu USD nhờ thị trường Nhật Bản vẫn ổn định.
Bình luận (0)