Dịch nCoV khiến hàng loạt doanh nghiệp (DN) du lịch đang như "ngồi trên lửa" khi mọi hoạt động gần như ngưng trệ. Hiệp hội Du lịch TP HCM những ngày qua đã họp liên tục để thay đổi kế hoạch, kiến nghị gửi cơ quan quản lý có chính sách gỡ khó cho ngành.
Kiến nghị từ thực tiễn
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, nhớ lại năm 2009, ngành du lịch cũng gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế. Thời điểm đó, các DN du lịch trên địa bàn TP HCM đã có sáng kiến về chương trình kích cầu, gói kích cầu với sự tham gia của các sở, ngành, hãng hàng không, lữ hành…, giúp giá tour nội địa giảm tới 50%. Chương trình kích cầu này đã hỗ trợ rất nhiều cho ngành du lịch vượt qua khó khăn lúc đó. "Các DN đang chờ động thái của cơ quan quản lý về việc triển khai chương trình, chính sách hỗ trợ cụ thể để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài" - ông Dũng cho hay.
Ngành dệt may gặp khó khăn khi nguồn cung nguyên phụ liệu từ Trung Quốc sụt giảm Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Giang Hoàng Hải, Giám đốc Công ty TNHH Du thuyền Viet Princess, cho biết ngoài trông chờ giảm lãi vay từ ngân nhàng (NH), DN còn kiến nghị được giãn thời gian nộp thuế GTGT, thuế thu nhập DN trong bối cảnh khó khăn.
Một ngành khác cũng chịu thiệt hại nặng nề là nông nghiệp. Đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam bày tỏ lo lắng khi chưa rõ dịch bệnh bao giờ mới chấm dứt. Hiệp hội này kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản. "Đặc biệt, chúng tôi kiến nghị hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn" - đại diện hiệp hội nói.
Ở ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, phản ánh nhiều DN sản xuất nguyên phụ liệu của Trung Quốc ngừng hoạt động nên DN Việt thiếu nguyên liệu để sản xuất. Một số DN tính phương án nhập nguyên phụ liệu từ các nước khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... nhưng giá thành cao hơn Trung Quốc. "Khoảng 90% DN trong nước có quy mô nhỏ và vừa nên ngoài sự chủ động của DN cần thiết phải có sự hỗ trợ về cơ chế, chính sách của nhà nước như: nguồn vay ưu đãi; các gói hỗ trợ tiếp cận công nghệ mới; các chương trình xúc tiến thương mại thiết thực, thay vì chỉ dừng lại ở khâu quảng bá, hỗ trợ kết nối" - ông Cẩm nêu quan điểm.
Cả hệ thống vào cuộc
Những ngày qua, NH Nhà nước đang theo dõi, rà soát, đánh giá để xem xét điều chỉnh, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ cho khách hàng... Đến thời điểm này, nhiều NH thương mại đã công bố giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng như Vietcombank, VPBank, Kienlongbank; nhiều NH khác đưa ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp để kích cầu, hỗ trợ thị trường.
Ngày 11-2, chủ trì cuộc họp về các giải pháp ứng phó dịch nCoV, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Chính phủ, Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc để có các biện pháp xuất khẩu, thông quan hàng hóa. "Phải tăng cường tìm kiếm thị trường mới; kết nối các hệ thống phân phối trong nước, chia sẻ những khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, các địa phương, DN, nông dân cần đặc biệt quan tâm và bảo đảm chất lượng hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm... Đây cũng là dịp để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường, xuất khẩu chính ngạch bền vững" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Về phía Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết bộ đã có giải pháp triển khai trong ngắn hạn và dài hạn. Trước mắt, giao các đơn vị chủ động phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại các nước xúc tiến, phát triển thị trường trọng điểm và thị trường ngách; thường xuyên trao đổi thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để nắm tình hình, từ đó có biện pháp phát triển thị trường ở các địa phương trọng điểm của Trung Quốc tại thời điểm phù hợp nhất ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát được dịch nCoV và công bố mở cửa giao thương trở lại.
Với phương án bùng phát dịch kéo dài nhiều tháng, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp các hiệp hội ngành hàng, DN đưa nông sản vào tiêu thụ trong những hệ thống siêu thị lớn. Đặc biệt, khuyến khích DN đẩy mạnh nâng cao chất lượng bảo quản, chế biến nông sản; điều chỉnh một số đối tượng cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thị trường.
Đa dạng hóa đầu ra sản phẩm
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo và Nghiên cứu - Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng cần có phương án hỗ trợ DN, hộ gia đình chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh; có tính đến phương án phải nới lỏng tiền tệ và tài khóa nhưng chưa tính đến gói kích thích kinh tế. Bởi vì kinh nghiệm năm 2009 cho thấy tính hiệu quả của việc dùng gói kích thích kinh tế không cao.
Nhóm chuyên gia cũng nhìn nhận giải pháp hỗ trợ nền kinh tế ứng phó với khó khăn là cần quyết liệt tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt đầu tư công, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ và thực chất môi trường kinh doanh.
PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) nhận định để đưa ra giải pháp cụ thể hỗ trợ cho DN là rất khó bởi nCoV không gây ra khó khăn cho một ngành nghề nhất định mà là rủi ro cho cả nền kinh tế Việt Nam lẫn toàn cầu. Nhưng dịch bệnh lần này lại một lần nữa làm dấy lên vấn đề mà nhiều người từng đề cập vào nhiều năm trước. Đó là DN Việt Nam, nhất là nhóm DN xuất khẩu nông sản, quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. "Khi quốc gia này "hắt hơi, sổ mũi" là kinh tế nước ta lung lay theo. Do vậy, khi dịch bệnh qua đi, nhà nước và DN cần đa dạng hóa đầu ra, tăng cường xây dựng kho lưu trữ cho việc xuất khẩu nông sản, đặc biệt là tìm kiếm các giải pháp chế biến sau thu hoạch" - ông Bảo góp ý.
Về việc NH hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do nCoV theo hướng gia hạn thời hạn trả nợ, khoanh nợ giảm lãi suất, ông Bảo đánh giá là một hành động có ý nghĩa. Từ đó, DN mới có thêm động lực, tiềm lực tài chính để vượt qua khó khăn, tiếp tục sản xuất - kinh doanh, tránh ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính, lưu ý cần hết sức cảnh giác trước các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để "ăn theo" các gói hỗ trợ từ nhà nước. NH nên thẩm định hồ sơ kỹ càng, loại những trường hợp lợi dụng tình hình để xin ưu đãi dù không bị tác động bởi dịch bệnh.
"Ngoài trông chờ sự hỗ trợ, DN cũng cần có tinh thần tự lực cánh sinh, tự vượt qua khó khăn bằng cách chuyển đổi thị trường, tái cơ cấu sản xuất để đáp ứng yêu cầu của bên mua. Việt Nam đã ký rất nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới nên trong tình huống không gặp trục trặc với thị trường Trung Quốc thì DN nội cũng vẫn phải chuyển đổi tư duy, nâng cao chất lượng hàng hóa. Còn phía nhà nước, ngoài các gói hỗ trợ tức thời về lãi suất, thuế, thậm chí là bơm tiền…, về lâu dài, phải định hướng, hướng dẫn DN sản xuất đạt chuẩn, tìm kiếm thị trường…" - ông Thịnh nêu ý kiến.
Đề xuất xe Trung Quốc vào Việt Nam nhận hàng
UBND tỉnh Lạng Sơn trong cuộc họp ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị sáng 11-2 đã giao các đơn vị chức năng đàm phán với tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc cho xe của họ sang Lạng Sơn nhận hàng nông sản nhập khẩu trên cơ sở tuân thủ nghiêm ngặt quy định về kiểm dịch y tế của hai bên.
Tỉnh Lạng Sơn cũng tính đến giải pháp tổ chức các đội lái xe, bốc xếp hàng hóa chuyên nghiệp làm dịch vụ đưa hàng hóa nông sản thông quan sang Trung Quốc, sau đó quay về thực hiện khử trùng phương tiện, cách ly người tại cửa khẩu 14 ngày. Tuy nhiên, biện pháp này phải có sự đồng ý của chủ hàng, chủ xe phía Việt Nam, cũng như của bạn hàng và cơ quan chức năng phía Trung Quốc.V.Duẩn
Bình luận (0)