Lãnh đạo một công ty thực phẩm tại TP HCM kể DN ông mở một cửa hàng mới trong chuỗi và lập website để giới thiệu sản phẩm nhưng không biết thủ tục phải đăng ký mở website với cơ quan quản lý. Vậy là DN ông nhận được văn bản nhắc nhở. Tưởng vậy là rút kinh nghiệm thôi. Không ngờ sau đó cửa hàng này liên tục phải tiếp đoàn xuống kiểm tra việc bao bì hàng hóa có đóng gói đúng quy định, sản phẩm có gắn nhãn mác đúng không… "Vậy là DN vừa tốn thời gian tiếp đón đoàn kiểm tra vừa khắc phục chuyện đăng ký mở website. Chúng tôi có cảm giác bị làm khó" - lãnh đạo công ty này kể.
Không ít DN phải dành thời gian cho việc ứng phó với các đoàn kiểm tra, thay vì tập trung cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Thực trạng này đã từng được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần trước khi Luật Quản lý thuế (điều 81) về thanh tra thuế, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về thanh tra môi trường, hay gần đây là Chỉ thị 20 của Thủ tướng có hiệu lực. Việc thanh - kiểm tra DN được yêu cầu không quá 1 lần/năm nhằm tạo điều kiện cho DN hoạt động kinh doanh bình thường và không bị cản trở bởi việc thanh tra. Tuy nhiên, thực tế hoạt động thanh - kiểm tra thường không bảo đảm tiêu chí trên.
Thanh - kiểm tra là hoạt động quản lý nhà nước cần thiết nhưng sự chồng chéo, chưa minh bạch đã ảnh hưởng đến việc làm ăn của doanh nghiệpẢnh: Ngọc Ánh
Theo các chuyên gia, thanh - kiểm tra là một hoạt động quản lý nhà nước cần thiết để giám sát và bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh đúng pháp luật. Dù vậy, hoạt động này cần bảo đảm các nguyên tắc không trùng lặp, chồng chéo về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan và đặc biệt là không làm cản trở hoạt động bình thường của DN.
Luật sư Châu Huy Quang, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhìn nhận dù đã có quy định nhưng các DN vẫn phải tiếp nhiều đoàn thanh - kiểm tra trong một năm, bắt nguồn từ sự phân công, phân cấp chồng chéo và việc tổ chức thực hiện thiếu nhất quán, liên thông phối hợp giữa các cơ quan quản lý. Đó là chưa kể tình trạng có tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó DN.
"Việc lạm dụng thanh - kiểm tra sẽ gây tổn hại cho môi trường kinh doanh chung, thay vì bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh. DN luôn phải gánh chịu áp lực bị giám sát, kiểm tra thường xuyên bởi nhiều cơ quan khác nhau, dễ buộc họ phải tìm cách né tránh, thậm chí thông đồng để được yên ổn làm ăn. Khi đó, môi trường đầu tư kinh doanh chung cũng sẽ bị ảnh hưởng" - luật sư Châu Huy Quang nói.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tối đa việc phải đón tiếp các đoàn thanh - kiểm tra, điều tiên quyết là DN cần bảo đảm tuân thủ và chấp hành quy định pháp luật. Bởi trên thực tế, hoạt động thanh - kiểm tra thường diễn ra với tuần suất cao hơn đối với những DN có dấu hiệu vi phạm, hoạt động kinh doanh không minh bạch hoặc có nhiều khiếu nại, tố cáo…
Kinh nghiệm từ vụ cơm tấm Kiều Giang cho thấy để hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn bởi thanh - kiểm tra, DN cần chủ động, có nhân sự phụ trách làm việc với cơ quan chức năng. Đồng thời, làm việc, thảo luận và thống nhất các danh mục tài liệu cần cung cấp, lịch trình công tác của đoàn thanh tra để có cơ sở chuẩn bị phù hợp. DN cũng cần xây dựng cơ sở dữ liệu rõ ràng giúp tiện tra cứu và sớm kết thúc hoạt động thanh tra. Phối hợp làm việc với các đơn vị tư vấn pháp luật để hỗ trợ về mặt pháp lý trong quá trình thanh - kiểm tra nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.
Ngoài ra, DN cũng có quyền trao đổi nhằm làm rõ trước với cơ quan quản lý về lý do thanh tra, lịch trình và kế hoạch, nội dung thanh - kiểm tra, qua đó tổ chức phối hợp, hợp tác đồng thời có thể giám sát trực tiếp các hoạt động kiểm tra ngay tại DN mình.
Bình luận (0)