Thống kê gần đây nhất được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố cho thấy trong năm 2015, Việt Nam có 102 dự án cấp mới đầu tư ra nước ngoài và 53 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm hơn 625 triệu USD. Đáng chú ý, doanh nghiệp (DN) Việt đã mở rộng đầu tư sang các thị trường mới như Mỹ, Nga, Singapore, Đức bên cạnh những thị trường truyền thống đang tiếp tục được đẩy mạnh là Lào, Campuchia.
Mở rộng sang Âu, Mỹ
Những ngành được DN tập trung đầu tư như khai khoáng, nông, lâm, ngư nghiệp - vốn là thế mạnh mà Việt Nam đang có. Vài năm nay, DN trong nước còn đầu tư nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác như thông tin, truyền thông, sản xuất điện, bất động sản, hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Ông Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội) - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, nhìn nhận việc thúc đẩy đầu tư ra ngoài để hiểu rõ luật chơi quốc tế, tìm kiếm cơ hội đầu tư là cần thiết khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và Luật Đầu tư 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) được sửa đổi theo hướng thuận lợi hơn cho DN…
Ông Thắng đánh giá đầu tư của DN Việt ra nước ngoài chủ yếu sang Lào và Campuchia - những địa bàn chiến lược có quan hệ thân thiết với Việt Nam. Các dự án này vừa có mục đích kinh tế vừa có tính chất hỗ trợ, chủ yếu ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng, trồng rừng, trồng cây công nghiệp. Gần đây, DN Việt cũng vươn đến một số địa bàn có tiềm năng khác như châu Phi, châu Mỹ với những dự án thành công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam). Tại Myanmar, trước khi quốc gia này mở cửa cho đầu tư nước ngoài, Petro Vietnam đã tranh thủ tìm hiểu cơ hội và được phía bạn chấp thuận để tham gia thăm dò khai thác dầu khí.
Hay như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), năm 2015, doanh thu từ thị trường nước ngoài đạt 1,5 tỉ USD và tập đoàn bắt đầu khai thác thêm 2 thị trường mới là Tanzania, Burundi. Tổng cộng, Viettel đã đầu tư ra 10 nước ở khu vực châu Á, châu Mỹ và châu Phi với tổng dân số hơn 260 triệu người, 75 triệu khách hàng. Tập đoàn này cũng không giấu tham vọng phát triển kinh doanh ở 20 nước từ nay đến năm 2020 và đang tiếp tục khảo sát, tìm kiếm thị trường mới tại Đông Âu, Mỹ Latin, châu Phi và châu Á.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, nhìn nhận Viettel đã có một chiến lược khôn ngoan khi đầu tư ra nước ngoài là không “đụng” với những ông lớn của thế giới. Bởi với DN Việt chưa thật sự mạnh về vốn so với nước ngoài thì chiến lược đi vào thị trường ngách, thị trường tiềm năng mà vẫn hấp dẫn là phù hợp và thông minh.
Đón đầu cơ hội
Xu hướng xuất ngoại cũng diễn ra trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Mới đây nhất, Hội đồng Cấp phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài Myanmar đã chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được mở chi nhánh hoạt động tại nước này. Từ năm 2010, BIDV đã có mặt ở Myanmar nhưng dưới dạng văn phòng đại diện.
Trước đó, tháng 1-2016, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng khai trương Ngân hàng TNHH MTV 100% vốn tại Lào với vốn điều lệ 50 triệu USD, trên cơ sở chuyển đổi Chi nhánh SHB Lào. Tổng Giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê cho biết mở rộng mạng lưới ra nước ngoài là kế hoạch ngân hàng đã ấp ủ từ lâu nhằm tăng sự hiện diện của SHB trên thị trường quốc tế. Nhiều ngân hàng thương mại khác của Việt Nam cũng đã, đang lấn sân ra thị trường quốc tế như VietinBank, Sacombank, Vietcombank, Agribank, MB…
Ở một số thị trường tiềm năng, nhiều DN đã mạnh dạn đầu tư những dự án lớn để tìm kiếm cơ hội. Cuối năm ngoái, Tập đoàn TH True Milk công bố sẽ đầu tư dự án có số vốn 2,7 tỉ USD sang Liên bang Nga để xây dựng dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao. Dự kiến, trong tháng 5-2016 sẽ tiến hành xây dựng trang trại.
Một “ông lớn” khác trong ngành sữa là Vinamilk cũng định hướng mở rộng quy mô hoạt động bằng việc đẩy nhanh tiến độ mua bán sáp nhập và gia tăng các dự án đầu tư ra nước ngoài. Vinamilk đã đầu tư cổ phần tại nhà máy của New Zealand, Mỹ và Campuchia, đồng thời mở công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương cho các hoạt động xúc tiến thương mại của tập đoàn ở châu Âu.
Việc Việt Nam tham gia đàm phán, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á Âu và nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra cơ hội rất lớn cho DN Việt mở rộng thị trường ở nước ngoài.
Có điều, theo ông Phan Hữu Thắng, ngoài dầu khí và viễn thông là những dự án lớn, những địa bàn còn lại chủ yếu là các dự án có quy mô nhỏ, tham gia trong lĩnh vực dịch vụ, tài chính thúc đẩy thương mại để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang. Đối với các DN, việc đầu tư thành công ở nước ngoài không những tăng cường năng lực cho DN đó mà còn thu về cho đất nước số ngoại tệ nhất định, rất có ý nghĩa trong điều kiện cán cân thanh toán của Việt Nam còn thâm hụt.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài:
Cần lưu ý 3 vấn đề
Khi nói đến DN Việt đầu tư ra nước ngoài, tôi thấy có 3 vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, đầu tư ra nước ngoài là chuyển ngoại tệ từ trong nước ra nước ngoài nên những nước mạnh khuyến khích để DN nộp thuế cho Chính phủ. Nhưng với Việt Nam, dự trữ ngoại hối chưa mạnh, Chính phủ phải phát hành trái phiếu để vay ngoại tệ và nợ công gia tăng… thì nhà nước cần kiểm soát dòng vốn ngoại tệ ra vào chặt chẽ. Thứ hai, dù việc đầu tư ra nước ngoài là lựa chọn của DN nhưng nhà nước cũng cần có những chỉ báo cần thiết để khuyến cáo DN đầu tư vào các ngành có thế mạnh và minh bạch. Thứ ba, có một cách “dễ nhất” để xâm nhập thị trường các nước châu Mỹ là qua cánh cửa Cuba. Các dự án đầu tư vào Cuba sẽ rẻ hơn rất nhiều so với các thị trường khác, từ đây, DN Việt có thể tiếp cận rồi xuất hàng qua các thị trường khác như Mỹ, Canada.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn:
Chủ động về đơn hàng, khách hàng
Từ năm 2013, công ty bắt đầu đầu tư ra nước ngoài bằng việc thành lập một chi nhánh tại Mỹ nhằm chủ động đơn hàng, khách hàng và tận dụng cơ hội từ các FTA, nhất là TPP. Lâu nay, DN xuất khẩu dệt may chủ yếu làm gia công hoặc nếu làm FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) cũng phụ thuộc vào khách hàng do họ chỉ định từ khâu mua nguyên phụ liệu… Với việc mở chi nhánh ở Mỹ, công ty đã tiến thêm một bước là chủ động nguồn nguyên liệu, chào mẫu hoặc tự thiết kế mẫu để tiến thêm một bước cao hơn trong chuỗi giá trị sản xuất dệt may. Đến năm 2015, công ty tiếp tục nhượng quyền một thương hiệu nhỏ của Mỹ để nâng cao năng lực của DN, chủ động trong thiết kế. Từ việc đầu tư của công ty ở Mỹ, tôi thấy với những DN quy mô vừa và nhỏ lần đầu xuất ngoại là cần am hiểu luật pháp, văn hóa kinh doanh của nước sở tại.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế tại Việt Nam:
Nên tìm thị trường ngách
Với những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chủ yếu gia công, nói đầu tư ra nước ngoài rất khó. Ngay các ngành dệt may, da giày có thế mạnh xuất khẩu nhưng để thâm nhập được thị trường nước ngoài bằng chính thương hiệu Việt lại không hề đơn giản. Thế nên khi nói đầu tư ra nước ngoài, nếu đẩy mạnh được là tốt nhưng việc giữ được thị trường trên sân nhà trước đã là một thành công.
Yếu tố pháp luật gần như không trở ngại trong câu chuyện DN đầu tư ra nước ngoài mà quan trọng nhất là sự sáng tạo, khả năng tìm kiếm thị trường, có sản phẩm phù hợp với thị trường, thị hiếu người tiêu dùng ở nước ngoài…
Thái Phương ghi
Bình luận (0)