Nhận xét tổng thể về Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA), ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng EVFTA được kỳ vọng đem lại lợi ích cân bằng giữa các nước, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo nhiều việc làm thu nhập cao hơn, nâng cao năng suất, cạnh tranh, tăng cường minh bạch... Tuy nhiên, Việt Nam đứng trước nhiều thách thức lớn, cần sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt là về chính sách và thể chế.
Tăng áp lực cạnh tranh
Điểm một số thách thức EVFTA mang lại, ông Trần Công Thắng đặc biệt quan tâm đến sự gia tăng cạnh tranh giữa hàng nội với hàng nhập khẩu do hàng rào thuế dần được cắt giảm trong bối cảnh Việt Nam chưa sử dụng tốt các hàng rào phi thuế quan để tự bảo hộ sản phẩm của mình. Trong khi đó, việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong nước chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng nội địa, dẫn đến khách hàng quay lưng với hàng nội và có nguy cơ đánh mất thị trường nội địa.
"Không tránh khỏi nguy cơ nông sản bị trả lại, mất quyền xuất khẩu hoặc gia tăng tần suất kiểm tra do chưa đáp ứng các quy định SPS/TBT, đặc biệt là việc lạm dụng thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu trong chăn nuôi, trồng trọt… Hàng Việt còn khó đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan do sử dụng nhiều nguyên liệu nhập khẩu như ngành điều, gỗ…; hoặc trong nước chưa xây dựng được chuỗi giá trị bền vững, chưa có thói quen về lưu trữ bằng chứng nguồn gốc xuất xứ trong toàn chuỗi" - ông Thắng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp châu Âu tham dự một triển lãm ở TP HCM để tìm kiếm đối tác, cơ hội đầu tư Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), đánh giá bên cạnh lợi ích lớn cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, EVFTA cũng đặt ra những thách thức phải vượt qua. "Thị trường mở ra rất lớn với gần 100% dòng thuế được cắt giảm nhưng sản phẩm của Việt Nam có thâm nhập được thị trường hay không là chuyện khác. Thông thường, khi rào cản thuế quan bị xóa bỏ, doanh nghiệp (DN) ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, mà EU là một trong những thị trường có "truyền thống" sử dụng các công cụ này. Trong nước, hàng hóa bị đặt vào áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu chất lượng cao, mẫu mã đẹp, uy tín tốt. Có khả năng các ngành sản xuất như chăn nuôi heo, mía đường… sẽ có nguy cơ bị thu hẹp sản xuất" - ông Huỳnh lưu ý.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng thừa nhận thách thức mới cho ngành thủy sản Việt Nam khi tham gia EVFTA là các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng, quy tắc xuất xứ chặt hơn, có nhiều quy định mới và phức tạp hơn. Trong khi đó, thủy sản Việt so với các nước đối tác EVFTA kém cạnh tranh hơn về giá thành, dẫn đến phải cạnh tranh với chính sản phẩm của các nước đối tác.
Yêu cầu cải cách bền vững
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tuy đánh giá cao một số hiệp hội, DN ngành dệt may, da giày, thủy sản thể hiện sự quan tâm đặc biệt với EVFTA nhưng cũng chỉ ra thực tế nhiều DN chưa chuẩn bị tâm thế bước vào hiệp định này. Bộ trưởng khuyến cáo: "DN lớn dường như có sự chuẩn bị tốt hơn so với các DN nhỏ và vừa. DN xuất khẩu dường như tích cực hơn so với các DN phải chịu cạnh tranh từ EU sau khi hiệp định được ký kết. Để khai thác tối đa lợi ích mà hiệp định mang lại, các DN, đặc biệt DN nhỏ và vừa, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực, toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường đến nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn động thực vật...".
Đánh giá sức ép từ EVFTA là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc, không đối đầu trực tiếp và theo lộ trình phù hợp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng đây là động lực để cải cách hệ thống pháp lý trong nước. Việc này cũng phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng mà Việt Nam đã và đang nỗ lực triển khai.
Đáng lưu ý, Bộ trưởng Tuấn Anh nêu rõ trong các chương của hiệp định đều hàm chứa yêu cầu cải cách hướng tới phát triển bền vững, không chỉ kinh tế mà còn vấn đề môi trường. "Chẳng hạn, năng lượng sạch là định hướng quan trọng của chúng ta hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững. EU rất có thế mạnh về năng lượng sạch, điện khí… nên cùng với các nền tảng hợp tác đã ký, chúng ta hoàn toàn kỳ vọng có thể thúc đẩy hơn nữa vấn đề này. Thực tế, vừa qua chúng ta đã chứng kiến làn sóng các DN điện gió, điện khí từ châu Âu đến nghiên cứu để thực hiện dự án ở Việt Nam" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ thêm.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh cũng nhìn nhận những thách thức đặt ra yêu cầu cấp bách phải cải cách nền sản xuất trong nước một cách thực chất, toàn diện, bền vững gắn liền với cải cách mô hình tăng trưởng và tổng thể là cải cách thể chế mạnh mẽ hơn. "Việc thực hiện các hiệp định thương mại, đầu tư thời gian qua cho thấy các nỗ lực của Chính phủ, DN được ghi nhận nhưng có thể nói là chưa đủ, nhất là đối chiếu với các yêu cầu cao của EVFTA hay Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU" - ông Huỳnh nhận xét.
Còn theo ông Trần Công Thắng, Việt Nam cần thay đổi về nhận thức, tư duy trong hội nhập. Trong đó, các hiệp hội, ngành hàng cần phát triển đủ mạnh để vươn lên nắm vai trò đầu tàu phát triển thị trường, hỗ trợ DN trong nước. Với từng DN, song song quá trình tự tích lũy để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng hoạt động, cần đẩy mạnh liên kết liên doanh, phối hợp sản xuất, kinh doanh để cạnh tranh lành mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thắng cũng lưu ý một số chính sách của Việt Nam còn khoảng cách với các cam kết quốc tế, do đó cần rà soát kỹ để có giải pháp điều chỉnh, từ đó hoàn thiện môi trường chính sách, tạo điều kiện tận dụng cơ hội và chủ động đối phó với thách thức từ hội nhập.
Cắt giảm thuế quan mạnh mẽ
Nếu như ở Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thuế nhập khẩu được đưa về 0% sau lộ trình 3-7 năm, trong một số trường hợp, lộ trình là 10-20 năm thì với EVFTA, 100% dòng thuế sẽ được cắt giảm trong vòng 7 năm và hơn 85% dòng thuế sẽ về 0% sau 8 năm.
CPTPP góp phần tăng thêm 3,5% GDP tính đến năm 2030, còn EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18%-3,25% trong giai đoạn 2019-2023; 4,57%-5,30% giai đoạn 2024-2028; 7,07%-7,72% giai đoạn 2029-2033.
Doanh nghiệp cần có bước chuẩn bị kỹ
Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), cho biết các DN thành viên của EuroCham luôn tin tưởng vào một bức tranh tươi sáng và lạc quan về EVFTA. Trong khảo sát được thực hiện vào tháng 10-2018, đa số DN nhận xét EVFTA có ảnh hưởng đáng kể và tương đối đến hoạt động kinh doanh hay kế hoạch đầu tư ngắn hạn (78,9%) và dài hạn (85,6%). Ngoài ra, 72% DN đánh giá EVFTA sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm của các DN châu Âu trong khối ASEAN.
"Ngoài những lợi ích kinh tế rõ ràng thu được từ EVFTA, các DN thành viên của chúng tôi tin rằng EVFTA sẽ đem lại những ảnh hưởng tích cực với các vấn đề xã hội và môi trường, ví dụ phúc lợi xã hội (88%), bảo vệ môi trường (85%), chuyển giao công nghệ (88%) và quyền lợi của người lao động (65%). Tóm lại, 93% trong số những thành viên của chúng tôi tin rằng EVFTA sẽ được thông qua vào năm 2019 hoặc trong thời gian sớm nhất có thể" - ông Nicolas Audier nhận định.
EuroCham khuyến cáo trong vài tháng tới, các DN cần có những bước chuẩn bị để có thể bắt kịp các thay đổi khi hiệp định được phê chuẩn và có hiệu lực. Trước hết, cần tìm hiểu và hiểu rõ những cơ hội mà EVFTA mang lại trong ngành và lĩnh vực của mình. Tiếp đó, xem xét những tiêu chuẩn châu Âu để tìm cách áp dụng hiệu quả. Cuối cùng, DN cần bắt đầu tìm kiếm đối tác ở EU để có thể dễ dàng tiếp cận thị trường và người tiêu dùng EU.
T.Nhân
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-6
Bình luận (0)