Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 diễn ra chiều 18-8 ở TP HCM, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài nhờ môi trường kinh tế ổn định và hội nhập sâu rộng thông qua các hiệp định thương mại tự do.
Xóa bỏ rào cản
Chỉ trong nửa đầu năm 2016, số lượng các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) doanh nghiệp (DN) trên thị trường Việt Nam đã cán mốc 3 tỉ USD, sau khi đạt mức kỷ lục 5,2 tỉ USD năm 2015.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động M&A tại Việt Nam những năm qua không ngừng gia tăng. Ước tính, tổng giá trị các thương vụ M&A trong 5 năm qua đạt 18 tỉ USD và riêng 7 tháng đầu năm 2016 đã vượt con số 3,2 tỉ USD. Hoạt động M&A diễn ra sôi động ở hầu hết các lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, bất động sản…, trở thành kênh huy động vốn, một hình thức đầu tư và là yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình tái cấu trúc DN cũng như nền kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận xét các chuyển động chính sách gần đây như Luật Đầu tư và Luật DN 2014 bắt đầu đi vào cuộc sống, hàng chục nghị định quy định chi tiết thi hành các luật mới này có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiều giấy phép con được bãi bỏ, lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện được thu hẹp; các quy định về điều kiện kinh doanh rõ ràng, minh bạch hơn đang góp phần thúc đẩy dòng chảy M&A từ các nhà đầu tư nước ngoài.
“Đặc biệt, trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Chính phủ cam kết bảo hộ rất mạnh các nhà đầu tư nước ngoài, tạo sự an tâm khi rót vốn vào Việt Nam. M&A cũng là cách thức nhanh nhất để nhà đầu tư có thể gia nhập thị trường” - ông Quách Ngọc Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - nói.
Theo nhóm nghiên cứu Diễn đàn M&A 2016, thời gian qua, dù đã cổ phần hóa một số DN nhà nước có quy mô vừa và lớn nhưng Chính phủ và các nhà đầu tư đánh giá tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn đặc biệt ở những DN lớn còn chậm. Do đó, thị trường vẫn chờ đợi chiến lược của một số tập đoàn tư nhân khi nhà nước thoái vốn.
Ông John Ditty, Phó tổng giám đốc điều hành KPMG Việt Nam, nhận định thị trường M&A Việt Nam đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua, từ quy mô đến độ phức tạp. Nhiều thương vụ M&A sẽ bùng nổ trong thời gian tới ở lĩnh vực bán lẻ, địa ốc, hàng tiêu dùng dưới tác động của hội nhập. Trong những thương vụ M&A gần đây, Thái Lan được nhắc đến nhiều khi các tập đoàn lớn của nước này chọn Việt Nam để đầu tư, vươn ra khu vực nhưng không chỉ Thái Lan mà DN Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang nhắm đến thị trường Việt.
Chẳng hạn với Nhật Bản, không chỉ các tập đoàn lớn của nước này mà rất nhiều DN vừa và nhỏ cũng quan tâm, sang Việt Nam tìm hiểu về công nghệ để đầu tư. Nhà đầu tư Nhật không chỉ chọn dược phẩm, nông nghiệp sạch mà cả bất động sản cũng đang trở thành lĩnh vực thu hút họ thông qua các thương vụ M&A.
Theo ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Tập đoàn Recof, đây là một trong những khuynh hướng thú vị bởi trong 20 năm qua, DN Nhật không hề quan tâm tới thị trường địa ốc Việt Nam (trừ một vài ngoại lệ). Vậy mà xu hướng này đã thay đổi từ năm ngoái và bùng nổ đến giờ.
Bán lẻ vẫn rất nóng bỏng
Trong các phân khúc, bán lẻ được xem là thị trường hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thông qua M&A và điều gì tạo nên sự hấp dẫn này? Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, trong 10 năm nay, ngành bán lẻ Việt Nam luôn được đánh giá tiềm năng không chỉ với DN trong nước mà cả nước ngoài.
Việt Nam đang có một thị trường rộng lớn ở nông thôn, quá trình đô thị hóa làm cho miếng bánh bán lẻ cũng mở rộng. Đặc biệt, tỉ lệ bán lẻ hiện đại của Việt Nam ở mức rất thấp, hiện chưa đạt 30% từ siêu thị, đại siêu thị, trung tâm mua sắm, các chuỗi cửa hàng tiện lợi… tạo ra sự hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại.
Đi đầu các thương vụ M&A trong năm qua là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, chiếm tới 38,4% tổng giá trị, đặc biệt là các thương vụ đến từ Thái Lan. Cụ thể, Central Group mua lại Big C Việt Nam giá 1,14 tỉ USD với tham vọng chi phối ngành bán lẻ Việt Nam. Thương vụ tỉ đô khác là Singa trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn Masan với giá trị 1,1 tỉ USD hay thương vụ Tập đoàn Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark tuy không tiết lộ giá trị nhưng theo giới chuyên môn thì cũng là thương vụ lớn.
Sự hào hứng của các nhà đầu tư ngoại đối với thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đem lại không ít thách thức cho DN nội địa, nhất là khi DN bán lẻ trong nước chủ yếu xuất phát từ mô hình truyền thống, quy mô gia đình. Trong cuộc cạnh tranh này, theo bà Mỹ Loan, không ít DN Việt vẫn tìm thấy lợi ích để thúc đẩy công ty mình phát triển. Chẳng hạn, nếu Nguyễn Kim không chọn con đường M&A với Central Group thì họ vẫn phát triển nhưng không thể nhanh chóng mở nhiều mạng lưới, trở thành nhóm 500 nhà bán lẻ lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương...
Sẽ có nhiều thương vụ M&A từ Start-up
Theo các chuyên gia kinh tế, chưa năm nào từ “khởi nghiệp” (Start-up) được nhắc nhiều như năm ngoái và nửa đầu năm nay. Số lượng các DN Start-up được đầu tư tăng 2,4 lần, từ 28 DN năm 2014 lên mức 67 DN năm ngoái. Trong đó, gần nửa số đầu tư vào DN Start-up đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Với xu hướng khởi nghiệp và sự ảnh hưởng ngày càng nhiều của công nghệ, internet tại Việt Nam, thời gian tới sẽ xuất hiện thêm nhiều thương vụ M&A trong lĩnh vực công nghệ.
Minh bạch trách nhiệm
Sau những thương vụ M&A, không ít nhà đầu tư nước ngoài “quên” nghĩa vụ thuế hoặc cố tình tiến hành thương vụ mua bán, sáp nhập ở nước ngoài để “né” thuế. TS Nguyễn Anh Tuấn, Công ty Luật LNT & Partners, dẫn chứng từ thương vụ Big C bán cho Central Group ở góc độ pháp lý còn nhiều yếu tố cần xem xét như chính sách thuế khi thương vụ diễn ra hoàn toàn ở nước ngoài, rồi cách tính thị phần… “Chúng tôi tư vấn cho Saigon Co.op mua lại Big C Việt Nam (hoạt động trên thị trường Việt Nam) nhưng lại phải xin thủ tục để đầu tư ra nước ngoài và chịu thiệt thòi so với đối thủ nước ngoài. Do bên bán yêu cầu thực hiện ở nước ngoài, đồng nghĩa Saigon Co.op phải xin phép đầu tư ra nước ngoài” - ông Tuấn chia sẻ. Qua đó, ông Tuấn đặt vấn đề phải chăng luật pháp nghiêm khắc nhưng chưa rõ ràng khiến DN ngoại chọn M&A ở nước ngoài để khỏi phải xin phép, tránh được các khoản thuế… Do đó, nên chăng cơ quan quản lý cần tạo điều kiện hơn nữa cho nhà đầu tư nước ngoài?
Nhìn nhận thực tế này nhưng ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN lớn, Tổng cục Thuế - cho rằng thực tế, người mua và người bán đều nhận thức được việc trách nhiệm đóng thuế sẽ thuộc về ai sau thương vụ sáp nhập. Thời gian qua, một số DN tái cấu trúc bằng cách lập ra các công ty ở nước ngoài, tiếp tục sở hữu phần vốn ở Việt Nam để tránh nộp thuế. Nhưng theo quy định, dù thương vụ chuyển nhượng ở đâu thì thu nhập phát sinh cũng phải nộp thuế mà Metro và Big C là ví dụ điển hình. “Chính phủ Việt Nam sẽ kiên trì và minh bạch chính sách thuế, quản lý thuế đối với hoạt động M&A. Quan trọng là quy định rõ, cụ thể hơn trách nhiệm của người mua và người bán” - ông Phụng nói.
Bình luận (0)