Có tổng cộng 6 hãng hàng không và 5 doanh nghiệp du lịch lớn cùng đại diện Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa đồng loạt gửi thư kiến nghị về thời điểm mở cửa du lịch quốc tế tại Việt Nam.
Để "mở cửa thực sự", cả cơ quan nhà nước cấp trung ương, các địa phương và từng doanh nghiệp cần có một khoảng thời gian nhất định nhằm chuẩn bị nguồn lực tài chính, cải tổ quy trình, chuẩn bị nhân lực, tiến hành xúc tiến quảng bá ... trước khi đón khách. Về phía khách quốc tế ở các thị trường trọng điểm với Việt Nam, họ cũng cần thời gian để nhận biết thông tin, đánh giá, cân nhắc và ra quyết định.
Hiện ngành du lịch Việt Nam mới đón khách du lịch quốc tế dạng thí điểm tới một số địa phương
Tuy nhiên, khoảng thời gian này phải được rút ngắn tối đa, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan, địa phương, cùng doanh nghiệp để tận dụng được "thời cơ vàng".
Vì vậy, 6 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines, Hải Âu Aviation và 5 doanh nghiệp du lịch lớn gồm Vietravel, Saigontourist, TMG, Sungroup, BIM, và đại diện Ban IV, đồng loạt kiến nghị Thủ tướng Chính phủ công bố ngay trong đầu tháng 2-2022 "thời điểm mở cửa hoàn toàn cho du lịch quốc tế tới Việt Nam".
Điều này nhằm tạo "lực đẩy mạnh" và để các địa phương cùng các doanh nghiệp vận tải, cư trú và lữ hành có mốc thời gian chuẩn bị, mặc dù mốc thực tế để mở hoàn toàn có thể là 31-3 hay 30-4-2022.
Kiến nghị Thủ tướng xem xét giao cho Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và ban hành quy trình bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với khách du lịch quốc tế, theo hướng giảm thiểu tối đa các quy định hiện hành không cần thiết. Theo đó, gỡ bỏ quy định cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú đối với hành khách đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin và có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc RT-PCR trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.
Xem xét gỡ bỏ yêu cầu hành khách xét nghiệm nhanh tại sân bay đối với những người đủ điều kiện nêu trên và có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch dương tính với SARS-CoV-2.
Ngoài việc khôi phục toàn bộ các chương trình miễn thị thực đơn phương, song phương và thị thực điện tử cho du khách, Chính phủ cân nhắc mở rộng chương trình miễn thị thực cho khách du lịch quốc tế tại các thị trường chiến lược, trọng điểm như toàn bộ châu Âu, Úc và Bắc Mỹ. Tăng thời gian miễn thị thực từ 14 ngày lên 30 ngày theo xu hướng du lịch mới của du khách là đi dài ngày hơn…
Nếu Việt Nam đưa ra thông điệp "mở cửa" sẽ là cơ hội cực lớn không chỉ để phục hồi mà còn tạo bứt phá cho du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực, góp phần đáng kể khơi thông dòng chảy đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và các nước.
Ngành du lịch đang thí điểm thực hiện đón khách du lịch quốc tế vào 7 địa phương (5 địa phương giai đoạn 1 và bổ sung thêm 2 địa phương ở giai đoạn 2). Tuy nhiên, sau 2 tháng thí điểm với các điều kiện, quy trình còn rất chặt chẽ cho du khách, doanh nghiệp du lịch, hàng không tham gia chương trình, đến nay Việt Nam mới đón được 8.500 du khách.
Bình luận (0)