xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Đưa nghị quyết vào thực tiễn

Thái Phương - Thy Thơ - Ngọc Ánh ghi

Hội nghị Trung ương 5 đã đưa ra thông điệp xóa mọi định kiến, rào cản với kinh tế tư nhân và điều các doanh nghiệp kỳ vọng nhất lúc này là ở quá trình thực thi và đưa nghị quyết vào cuộc sống

GS-TS TRẦN NGỌC THƠ - Trường ĐH Kinh tế TP HCM:

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Đưa nghị quyết vào thực tiễn - Ảnh 1.

Tháo gỡ nút thắt về thể chế

Với đặc thù Việt Nam hiện nay, để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, nhà nước cần chuyển toàn bộ các doanh nghiệp (DN) nhà nước và tập đoàn kinh tế sang hình thức công ty cổ phần đại chúng thực thụ (nhà nước không còn nắm cổ phần chi phối) để tạo ra một sân chơi bình đẳng với khu vực kinh tế tư nhân. Điều quan trọng bậc nhất là cải cách thể chế và giảm toàn bộ gánh nặng hành chính, gánh nặng nhũng nhiễu từ phía các cơ quan quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân thì họ "mới dám" lớn mạnh được.

Những giải pháp trên chính là sự hỗ trợ lớn nhất của nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân. Vì vậy các gói giải cứu, gói kích cầu mà chúng ta đã và dự định áp dụng cho một số lĩnh vực của nền kinh tế là không cần thiết (như giải cứu heo, cá…), nhất là trong điều kiện ngân sách quốc gia hiện không cho phép làm điều này. Khi toàn bộ những nút thắt trên được tháo gỡ thì tự động khu vực kinh tế tư nhân sẽ phát triển, thậm chí vươn ra toàn cầu, không cần ai phải dạy bảo cho họ phải làm điều gì.

VŨ KIM HẠNH, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao:

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Đưa nghị quyết vào thực tiễn - Ảnh 2.

Hỗ trợ DN tìm đầu ra

Có một thực tế, hiện nay nhiều DN đang gặp khó khăn về đầu ra, họ bày tỏ âu lo về khi không bán được hàng, sức mua thị trường giảm, hàng ngoại chèn ép và đặc biệt là hàng giả ngày càng nghiêm trọng. Ngay cả những DN hùng mạnh trong lĩnh vực bánh kẹo trước đây là Kinh Đô, Bibica… giờ cũng rơi vào tay nước ngoài. Với các chuỗi siêu thị, dù quan điểm của tôi là không phân biệt của nước ngoài hay trong nước nhưng thực tế là hàng Việt trong siêu thị không cạnh tranh được với hàng hóa của các tập đoàn đa quốc gia - khi những DN có tiềm lực về quảng cáo, khuyến mãi rất mạnh và đã chiếm lĩnh thị trường thời gian qua.

Lúc này, DN Việt có thể không mơ đưa nhiều hàng vào các chuỗi siêu thị nhưng có thể chuyển hàng Việt về nông thôn, nơi lâu nay chỉ toàn hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế là không phải DN nào cũng sẵn sàng bỏ chi phí vận chuyển, phân phối rất lớn, tốn kém để đưa hàng về vùng sâu, vùng xa. Do đó, nhà nước có thể tính toán nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ DN đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa trở thành chương trình lâu dài, có hệ thống sẽ cải thiện được đầu ra của DN, cả người tiêu dùng cũng có cơ hội tiếp cận sản phẩm chất lượng.

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Đưa nghị quyết vào thực tiễn - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp tư nhân mong muốn sự bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, tài chính… Ảnh: TẤN THẠNH

Ông NGUYỄN LÂM VIÊN, Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit:

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Đưa nghị quyết vào thực tiễn - Ảnh 4.

Đưa chính sách đến gần doanh nghiệp

Nhiều DN đánh giá cao sự quan tâm của Chính phủ thời gian qua khi mong muốn xây dựng Chính phủ kiến tạo, quốc gia khởi nghiệp và gần đây là quan tâm nhiều hơn đến ngành nông nghiệp. Sự lắng nghe của người đứng đầu Chính phủ giúp DN kỳ vọng vào sự thay đổi. Lúc này, theo tôi, mong muốn của DN có lẽ là những chính sách, quyết sách của nhà nước đến được gần hơn với DN, được thực thi một cách nhanh chóng, bởi nhiều chính sách tốt nhưng lan tỏa tới DN lại chưa được nhiều.

Đơn cử, ngay việc quy định cơ quan quản lý không được thanh tra, kiểm tra DN quá nhiều lần nhưng chúng tôi hằng ngày phải đối mặt với các quy định về thủ tục đất đai, môi trường, phòng cháy chữa cháy, chính sách về BHXH, thuế khoán… Có những quy định DN không biết làm sao cho đúng. Kết quả là DN phải tốn quá nhiều thời gian để ứng phó, bôi trơn. Do đó, DN chỉ kỳ vọng những vướng mắc, khó khăn được giải quyết, tháo gỡ nhanh chóng để tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, tập trung làm thị trường.

TS VŨ THÀNH TỰ ANH, Giám đốc nghiên cứu ĐH Fulbright:

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Đưa nghị quyết vào thực tiễn - Ảnh 5.

Bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực

Nếu nhìn vào hệ sinh thái DN Việt Nam hiện nay sẽ thấy có nhiều phân tầng nên quan trọng nhất lúc này là các chính sách của nhà nước cần phải xóa bỏ các tầng nấc, xóa bỏ sự phân biệt đối xử; tạo sự bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực về tài nguyên, tín dụng, đất đai, các hợp đồng mua sắm Chính phủ… Khi đó sẽ tạo ra sân chơi bình đẳng hơn, tạo ra động lực cho DN cạnh tranh được với nhau bởi cạnh tranh chính là điều cơ bản trong phát triển thịnh vượng của nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ khi đưa ra chính sách phải kết nối được các khu vực DN với nhau. Làm sao để tạo ra sự bình đẳng ngay trong chính bản thân các DN tư nhân, vì thực tế ngay khu vực DN này cũng có sự phân biệt đối xử và không bình đẳng, như giữa các DN tư nhân lớn với DN vừa và nhỏ hoặc hộ kinh doanh…

Một hỗ trợ khác rất quan trọng mà nhà nước có thể làm đối với khu vực DN tư nhân là đầu tư vào hệ thống giáo dục, bởi không có hỗ trợ nào tốt hơn là việc có lực lượng lao động có kỹ năng, phẩm chất và trình độ. Làm được những điều này sẽ tạo ra môi trường để DN Việt Nam cạnh tranh bình đẳng và qua đó sàng lọc được những DN tốt nhất, kết nối vào mạng lưới toàn cầu. Nếu không, chúng ta phải chấp nhận 98% DN Việt nhỏ li ti và có thể bị "cuốn đi" hàng loạt trong môi trường hội nhập, cạnh tranh quốc tế.

Ông HUỲNH VĂN THÒN, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời:

Động lực mới cho kinh tế tư nhân: Đưa nghị quyết vào thực tiễn - Ảnh 6.

Gỡ vướng cho đầu tư nông nghiệp

Tình hình chung của DN tư nhân lĩnh vực nông nghiệp là những DN vừa và nhỏ, năng lực quản trị yếu kém, ứng dụng khoa học công nghệ chưa cao, ít vốn; cơ chế chính sách trong lĩnh vực chưa rõ ràng và nhất quán.

Vướng mắc cụ thể đầu tiên là đất đai không được biến thành tài sản khiến người ta không yên tâm giữ, đầu tư và dùng để thế chấp tạo vốn. Thứ hai, là sản xuất manh mún do vướng hạn điền, không tích tụ được đất khiến DN nhỏ hoài không lớn được. Ngoài ra, lao động nông thôn mang tính chất thời vụ, vào vụ thiếu lao động, hết vụ thiếu nghề phụ. Trong khi nhà nước chưa quan tâm dạy nghề lĩnh vực lao động. Ở các nước, lao động nông nghiệp được xem là "tinh hoa" vì tạo ra thực phẩm cho con người. Còn Việt Nam thì lao động nông nghiệp bị xem là thấp hèn, không làm được gì khác mới làm nông nghiệp, nông dân nghèo nên chỉ biết lo trước mắt. Từ đó mới có chuyện nông dân không có trách nhiệm với người tiêu dùng, trồng riêng để ăn, trồng đại trà để bán, không quan tâm chất lượng. Từ chỗ nông dân chưa có nhận thức tốt nên khó để DN kết nối tạo thành các chuỗi liên kết tạo nên chuỗi giá trị của sản phẩm. Khắc phục vấn đề này phải là chuyện của nhà nước và toàn xã hội, không của riêng DN nào. 

Chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra

Ngày 16-5, Chính phủ đã có 2 chỉ đạo quan trọng hướng đến mục tiêu cải cách môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN. Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra DN để kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của DN về việc vẫn còn có quá nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trong cùng một năm; tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển và bảo vệ quyền lợi chính đáng của DN. Rà soát để sửa đổi hoặc kiến nghị sửa đổi các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra sự chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán gây phiền hà, khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu UBND TP Hải Phòng cân nhắc, xem xét điều chỉnh mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng. Bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật phí, lệ phí và pháp luật khác có liên quan, phù hợp với khả năng đóng góp và tính cạnh tranh của các DN hoạt động xuất nhập khẩu, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. T.Hà

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-5

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo