xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đột phá để phục hồi kinh tế (*): Lấy kinh tế số làm hướng đi mới

PHAN ANH - THANH NHÂN - THÁI PHƯƠNG

Các mô hình kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và nền tảng như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn sẽ là hướng phát triển kinh tế trong tương lai của TP HCM

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi vừa ký Quyết định 503 phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án).

Cơ hội bắt kịp các nước phát triển

Nêu tính cấp thiết xây dựng Đề án, UBND TP HCM nhìn nhận thời gian qua, kinh tế thành phố phát triển chủ yếu theo chiều rộng, chưa phát huy hết tiềm năng, đồng thời bộc lộ tính kém bền vững. Chủ trương thúc đẩy 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ từ năm 2005 đến nay nếu vẫn triển khai theo cách truyền thống sẽ không còn nhiều động lực và thiếu sự đột phá để tăng trưởng. Do đó, cần tìm hướng đi mới cho TP HCM, nhằm giúp kinh tế phát triển nhanh chóng, ngày càng hiện đại nhưng vẫn bảo đảm tính bền vững.

Xu hướng phát triển trên thế giới hiện nay là nền kinh tế đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chủ yếu dựa vào công nghệ và đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất và tạo ra các phương thức kinh doanh mới đa dạng. "Đây chính là những động lực không giới hạn, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, thâm dụng vốn, lao động phổ thông - những yếu tố đầu vào truyền thống có tính hữu hạn" - Đề án nêu rõ.

UBND TP HCM cho rằng các quốc gia đang phát triển nếu nhanh nhạy nắm bắt được những xu hướng mới, chủ động thiết kế bước đi thích hợp, đầu tư thích đáng cho khoa học - công nghệ sẽ có cơ hội bắt kịp các nước phát triển. Cùng với đó là đưa ra những bài học đắt giá để khuyến nghị bước đi chắc chắn, không theo phong trào.

Theo UBND TP HCM, trong sự phát triển của kinh tế thị trường cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều mô hình kinh tế mới đã xuất hiện và phát triển, trong đó có kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn. Nhà nước cần nâng cao năng lực, thay đổi tư duy và phương thức quản lý cho phù hợp với xu thế phát triển của chuyển đối số và cách mạng công nghiệp lần thứ 4. TP HCM cũng khẳng định quan điểm các mô hình kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và nền tảng như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và các loại hình kinh tế mới khác sẽ là hướng phát triển kinh tế trong tương lai của thành phố.

UBND TP HCM cho biết từ mục tiêu tổng quát, Đề án hướng tới giải quyết một số mục tiêu chung. Đó là góp phần tạo nhận thức thống nhất về các mô hình kinh tế mới như kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và các loại hình kinh tế sáng tạo khác theo đà phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đồng thời, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp (DN) theo hướng ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới nhằm tạo ra hàng hóa, dịch vụ đa dạng, chất lượng, hiệu quả và bền vững.

Mặt khác, TP HCM định hướng các giải pháp xây dựng nền tảng cho phát triển các mô hình kinh tế mới, trong đó có nền tảng số; nâng cao trình độ và năng lực đổi mới sáng tạo cho đội ngũ nhân sự để sẵn sàng ứng dụng triển khai các mô hình kinh doanh mới. Hình thành nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển các mô hình kinh tế mới. Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở được kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu được chia sẻ rộng rãi (trừ những dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước) phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu của Đề án là kinh tế số chiếm 25% GRDP vào năm 2025 và chiếm 40% GRDP vào năm 2030; cải thiện các chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm của ngành và thành phố (như hệ số sử dụng năng lượng, hệ số sử dụng nước...); TP HCM thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số kinh tế số (thuộc Bộ Chỉ số chuyển đổi số - DTI).

Đột phá để phục hồi kinh tế (*): Lấy kinh tế số làm hướng đi mới - Ảnh 1.

Các mô hình kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo và nền tảng sẽ là hướng phát triển kinh tế trong tương lai của TP HCM. Trong ảnh: Các phương thức thanh toán mới, hiện đại đang dần phổ biến tại TP HCM. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nên cụ thể hóa từng lĩnh vực

Nói về Đề án vừa được UBND TP HCM thông qua, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB) - Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, cho rằng kinh tế số là xu hướng tất yếu, cần thiết phải số hóa nhưng phải gắn liền với hoạt động kinh tế, tham gia các hoạt động kinh tế hiện nay. Bởi lẽ, nhiều người còn nhìn số hóa quá đơn giản, phần nhiều khu trú trong lĩnh vực IT (công nghệ thông tin) mà ít chú ý lĩnh vực sản xuất.

Ngoài ra, TP HCM là thành phố dịch vụ nên cần chú ý số hóa trong dịch vụ, ví dụ số hóa trong ngân hàng bằng cách tăng cường tỉ lệ thanh toán thay vì chỉ tập trung tín dụng. Phải tiếp cận kinh tế số theo từng lĩnh vực, cụ thể hóa chương trình số hóa dưới từng lĩnh vực và lượng hóa mục tiêu. Khi TP HCM đã có chủ trương phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ thì từng ngành phải đề ra mục tiêu của mình và bài toán cần giải quyết là gì.

Theo ông Tước, phải thấy những rào cản số hóa trong nội tại DN, đặc biệt là trong khả năng hấp thụ công nghệ của DN và nhìn bức tranh số hóa tổng thể về ngành, chuỗi chứ không phải số hóa chỉ phục vụ trong quản trị, bán hàng để có bài toán đồng bộ.

"Góc nhìn kinh tế số hiện nay nghiêng về quản trị DN, bán hàng trong khi kinh tế số trong sản xuất ít được nói đến. Chẳng hạn, trong DN chế biến gỗ, bộ phận thiết kế sản phẩm có được số hóa không? Hay trong DN chế biến thực phẩm thì xưởng sản xuất, nhà máy số hóa cái gì, như thế nào, làm sao tương thích với hệ thống thiết bị máy móc thế hệ 4.0? Nhìn về chuỗi, DN Việt Nam đa số chỉ làm gia công và sử dụng các thiết kế của đối tác. Vậy những công đoạn thiết kế có số hóa không, thực hiện ra sao?" - ông Tước đặt vấn đề.

Theo PGS-TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Công nghệ Ngân hàng - ĐHQG TP HCM, chiến lược phát triển kinh tế số của thành phố cần lưu ý các vấn đề chính như thể chế số và chính sách số, tạo môi trường tăng cường sự hợp tác giữa các bên liên quan, các yếu tố trong quá trình phát triển kinh tế số, nuôi dưỡng niềm tin vào Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

"Đồng thời, tạo cơ chế cho đổi mới sáng tạo và kiểm soát rủi ro, bảo đảm minh bạch nhằm thúc đẩy cung cấp, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông hiệu quả. Vấn đề này phụ thuộc và được hình thành bởi tầm nhìn chung, khả năng quản trị, lãnh đạo và nhân sự đứng đầu thành phố. Do vậy, cần sáng tạo đổi mới, thậm chí là tư duy "phi truyền thống" trong giải quyết vấn đề thực tiễn của lãnh đạo thành phố" - PGS-TS Trần Hùng Sơn nhìn nhận.

Về yếu tố con người, nguồn nhân lực có kỹ năng số là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế số. Do đó, TP HCM cần có các chính sách khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ tại các cơ sở đào tạo. Xây dựng và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cần tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, sinh viên, nhà khoa học và DN để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, tạo ra sản phẩm mới, bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm đổi mới sáng tạo.

PGS-TS Trần Hùng Sơn nói thêm việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái tại địa phương là cần thiết để kết nối, thích ứng công nghệ toàn cầu nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế địa phương. Cần xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, như tăng khả năng truy cập internet, băng thông rộng cố định và di động cùng với các công nghệ số và công cụ kết nối mới như IoT, Big Data, AI, Block-chain...; sử dụng các dịch vụ số tiên tiến do khu vực tư nhân cung cấp. 

3 chương trình, kế hoạch cụ thể

Để thực hiện Đề án, UBND TP HCM đề ra 3 chương trình, kế hoạch cụ thể. Kế hoạch thứ nhất là phát triển kinh tế số trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì. Mục tiêu là thúc đẩy hoạt động kinh tế số thông qua phát triển hạ tầng số, xây dựng hệ cơ sở dữ liệu; đề xuất chính sách hỗ trợ và giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế số.

Kế hoạch thứ 2 là phát triển kinh tế chia sẻ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu nắm bắt xu hướng phát triển nền kinh tế chia sẻ, ứng dụng công nghệ số, xác định và lựa chọn ưu tiên về loại hình, ngành nghề kinh doanh và giai đoạn phát triển thích hợp...

Kế hoạch thứ 3 là phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM chủ trì. Qua đó, thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu; đề xuất chính sách để thúc đẩy phát triển hiệu quả kinh tế tuần hoàn, góp phần chuyển dịch kinh tế thành phố theo hướng hiện đại và bền vững.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 18-2

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo