xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Du lịch: Đồng tâm mới vươn cao

Yến Anh

Năm 2016, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa

Tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác du lịch năm 2015 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tổ chức ngày 30-12, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết năm 2015, Việt Nam đón 7.943.600 lượt khách quốc tế, phục vụ 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 338.000 tỉ đồng.

Cần đột phá mang tính sáng tạo

Ông Tuấn cho biết 6 tháng đầu năm nay, du khách quốc tế đã giảm liên tục với mức giảm sâu nhất là trên 12% so với cùng kỳ 2014, tuy nhiên những tháng cuối năm, lượng khách này lại phục hồi khá tốt. Đồng thời, lượng khách nội địa cũng tăng trưởng mạnh mẽ giúp tổng thu từ du khách tăng. Lượng khách quốc tế từ 6 thị trường mới được miễn thị thực nhập cảnh đều tăng trưởng, trong đó khách từ Tây Ban Nha, Ý cùng tăng trên 10%.

Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam chưa được cải thiện nhiều so với các nước. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực phát triển còn hạn chế, nhận thức xã hội về vai trò của du lịch chưa đầy đủ, liên kết giữa các bộ, ngành và địa phương thiếu chặt chẽ, chưa tạo nên sức mạnh tổng hợp dựa trên các lợi thế so sánh. Trong khi đó, công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn yếu kém; quản lý điểm đến, bảo đảm an ninh, an toàn tại một số địa bàn trọng điểm chậm được cải thiện.

Tình trạng du khách bị chèo kéo vẫn xảy ra ở nhiều nơiẢnh: Tấn Thạnh
Tình trạng du khách bị chèo kéo vẫn xảy ra ở nhiều nơiẢnh: Tấn Thạnh

Bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, địa phương rất phát triển về du lịch - thừa nhận nhiều nơi ở Quảng Ninh còn “chặt chém” du khách. “Cứ thu tiền của du khách được cái gì là thu, trong khi nhà vệ sinh công cộng lại không quan tâm. Từ Quảng Ninh có thể thấy chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch đều có vấn đề. Quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều bất cập, chưa theo kịp thực tế” - bà Thủy đúc kết.

Người đứng đầu Tổng cục Du lịch cho rằng sản phẩm du lịch chưa tạo ra đột phá mang tính sáng tạo có giá trị gia tăng cao. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch còn hạn chế và tự phát. Tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển du lịch của nhiều địa phương chưa được khai thác hiệu quả.

Một số nơi, doanh nghiệp du lịch có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, hạ giá, trốn thuế. Khi lượng khách tăng đột biến, dịch vụ không đáp ứng kịp gây ra tình trạng quá tải tại nhiều điểm đến, dẫn đến kinh doanh lộn xộn, chất lượng phục vụ xuống cấp tại một số địa phương.

Tận dụng cơ hội

Năm 2016, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 8,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 60 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du khách đạt 370.000 tỉ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết sẽ có một chuyên đề bàn về năng lực cạnh tranh của ngành du lịch. “Thế nào là năng lực cạnh tranh, gồm những yếu tố nào và phân tích cụ thể. Có phải do chất lượng kém nên du khách không trở lại hay là môi trường du lịch không an toàn, có hiện tượng chèo kéo, vệ sinh và giá cả không tốt?” - Thứ trưởng Thiện nhấn mạnh.

Theo Tổng cục Du lịch, du lịch Việt Nam đang đứng trước những vận hội mới nhưng cũng nhiều thách thức, khó khăn. Ông Tuấn đề nghị phải có sự đồng tâm tận dụng cơ hội này để đưa du lịch Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Một trong những thay đổi mạnh mẽ của ngành trong năm 2016 là xúc tiến quảng bá du lịch.

“Việc xúc tiến quảng bá sẽ đổi mới căn bản dựa trên 4 định hướng. Đó là gắn quảng bá thị trường với sản phẩm, thị trường nào muốn chào bán sản phẩm thì phải tập trung cho cả địa phương và doanh nghiệp. Đồng thời nâng cao quy mô, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong tổ chức xúc tiến. Huy động nguồn lực từ các bên được hưởng lợi, đối tác liên quan, đặc biệt là sự tham gia của địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cũng như đôi tác nước ngoài. Cuối cùng là tận dụng thế mạnh của internet và mạng xã hội” - ông Tuấn định hướng.

Người đứng đầu Tổng cục Du lịch lạc quan cho rằng với cách tiếp cận và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ VH-TT-DL hy vọng sẽ tạo ra những bước tiến mới cho năm 2016.

 

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày 30-12, Ban Kinh tế trung ương đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2015, triển khai nhiệm vụ năm 2016.

Với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược cho Ban Chấp hành trung ương mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lớn thuộc lĩnh vực kinh tế - xã hội, Ban Kinh tế trung ương đã chủ động phát hiện nhiều vấn đề, nghiên cứu chiến lược, chuyên sâu làm cơ sở cho công tác tham mưu. Ban cũng đã nghiên cứu, đề xuất chủ trương thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước; phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển bền vững; chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).  

 T.Dũng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo