Ninh Thuận được ví như “tiểu vùng sa mạc” với gió rát, nắng nóng nhất Việt Nam. Bù lại sự khắc nghiệt ấy của thiên nhiên, Ninh Thuận cũng là một trong số ít địa phương của cả nước giàu tiềm năng để phát triển du lịch biển, sinh thái, làng nghề… Tuy nhiên, hiện ngành công nghiệp không khói của vùng đất này vẫn ì ạch, thiếu sức hút.
Ninh Thuận nằm giữa tam giác du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Bình Thuận của miền duyên hải Nam Trung Bộ, với hơn 100 km chiều dài bờ biển. Biển Ninh Thuận có địa hình thoai thoải, có nơi núi đâm thẳng ra biển, tạo nên những vũng, vịnh tuyệt đẹp.
Nhiều du khách biết đến biển Cà Ná thơ mộng với những dải cát trắng mịn, nước trong xanh hay khó quên vịnh Vĩnh Hy êm đềm, hoang sơ - nơi hội tụ nhiều rạn san hô phong phú về chủng loại. Đặc biệt, núi đá ven biển ở Ninh Thuận có nhiều hang động, xếp thành hình kỳ thú, tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Ninh Thuận sở hữu đến 2 vườn quốc gia là Núi Chúa (huyện Ninh Hải) và Phước Bình (huyện Bác Ái) với hàng ngàn loài động vật cùng hàng chục ngàn loài thực vật, trong đó nhiều loài có tên trong Sách đỏ thế giới. Không chỉ vậy, đây là địa phương có hơn 70.000 đồng bào dân tộc Chăm sinh sống tập trung nên văn hóa Chăm Pa - bao gồm cả vật thể và phi vật thể - ở vùng đất nắng gió này rất đặc trưng.
Ông Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, cho biết sở dĩ địa phương chưa “níu chân” được du khách là do chất lượng sản phẩm du lịch hạn chế, tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp địa phương chưa cao. “Thậm chí, giá cả một số khâu dịch vụ còn cao so với các địa phương trong khu vực dẫn tới sức cạnh tranh kém” - ông Hải nhìn nhận.
Tại hội nghị xúc tiến, quảng bá tour, tuyến du lịch Ninh Thuận vừa được tổ chức, hầu hết đại biểu cùng nhận định du lịch Ninh Thuận còn thiếu rất nhiều thứ nên khó thu hút du khách.
Ông Thanh Tùng, Công ty TNHH Sài Gòn Hòn Ngọc Tourist, đánh giá biển Ninh Thuận đẹp nhưng chưa sạch, hải sản phong phú nhưng chưa có loại hình ẩm thực độc đáo, các sản phẩm lưu niệm hầu như trống vắng… “Ninh Thuận có vùng Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn trồng cây ăn trái rất phong phú, tại sao chúng ta không mở các tuyến du lịch nhà vườn, kết hợp tham quan thác nước Sa Kai, Chapơ… để phát huy thế mạnh” - ông Tùng gợi ý.
Đại diện Công ty CP Dịch vụ - Du lịch Bến Thành (TP HCM) cho rằng du khách ít biết đến Ninh Thuận do việc quảng bá chưa đủ mạnh. “Đơn cử như tại Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận được tổ chức từ ngày 29-9 đến 1-10, hầu như không có khách nước ngoài; khách trong nước cũng chưa nhiều. Nội dung sự kiện quá nghèo thì làm sao tạo dấu ấn cho du khách” - vị đại diện này góp ý.
Đa phần các đại biểu tham dự hội nghị đều có chung nhận định doanh nghiệp du lịch địa phương chưa gắn kết với các tỉnh bạn để phát huy thế mạnh của Ninh Thuận và bổ khuyết những hạn chế. “Khánh Hòa có nhiều đảo cực đẹp nhưng Ninh Thuận lại có rừng, vườn quốc gia hoang vu. Tại sao chúng ta không phối hợp để mở tour, tuyến tham quan đảo - rừng nhằm tạo dấu ấn độc đáo” - một doanh nghiệp du lịch của TP HCM đề nghị.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2011-2015, mỗi năm đón khoảng 1,3-1,4 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế từ 40.000-95.000. Trong khi đó, mỗi năm Khánh Hòa đón trên 4 triệu lượt du khách.
Bình luận (0)