Ngày 23-11, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã có văn bản trình Tỉnh ủy thông qua việc chọn 4 địa điểm trong Khu Kinh tế (KKT) Vân Phong thuộc địa bàn phường Ninh Thủy và xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa) với tổng diện tích khoảng 1.053 ha để triển khai các dự án cảng, kho khí và nhà máy điện khí LNG (khí hóa lỏng).
Trải thảm cho nhà đầu tư
Theo đó, điểm đầu tiên có diện tích khoảng 100 ha (trong đó diện tích lấn biển khoảng 50 ha) thuộc thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước. Hiện Tập đoàn Sumitomo thuê sử dụng tạm khu vực này để phục vụ xây dựng dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, sau tháng 3-2024 sẽ trả lại mặt bằng sạch.
Điểm thứ hai là Khu Công nghiệp (KCN) Ninh Thủy, diện tích khoảng 41,59 ha, là khu vực đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Điểm thứ ba nằm tại khu quy hoạch Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong ở thôn Ninh Yển và thôn Mỹ Giang (xã Ninh Phước) có tổng diện tích 311 ha gồm: đất liền 152 ha, 70 ha nằm trên đảo Mỹ Giang và 88 ha diện tích đất có mặt nước. Khu vực này cần đền bù giải phóng mặt bằng cho khoảng 1.030 hộ dân bị ảnh hưởng. Điểm thứ 4 là khu vực quy hoạch phát triển công nghiệp Ninh Tịnh (thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước) với diện tích khoảng 600 ha. Trong đó, phần diện tích dự kiến thu hút dự án Nhà máy Điện khí LNG và kho chứa khí khoảng 100 ha.
Ông Hoàng Đinh Phi, Trưởng Ban Quản lý KKT Vân Phong, cho biết khu vực Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ xác định sẽ xây dựng KKT Vân Phong trở thành cửa mở hướng ra biển và theo hướng hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam. Phía Nam vịnh Vân Phong được định hướng sẽ là những trung tâm công nghiệp lớn và tập trung hết cơ sở hạ tầng phục vụ công nghiệp ở đây. Khu vực này có độ sâu rất thuận lợi là 20-30 m, hiện có cảng tổng hợp Nam Vân, nhà máy đóng tàu Hyundai. Khu vực này là ngã ba đường của các tuyến hàng hải quan trọng như: châu Âu - Bắc Á, châu Úc - Đông Bắc Á và Đông Nam Á - Đông Bắc Á; là cửa mở hướng ra biển Đông của vùng Tây Nguyên và cả bán đảo Đông Dương đối với hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây.
"Trong 4 địa điểm mà UBND tỉnh đã chọn, địa điểm được đánh giá có vị trí tốt nhất và khả thi nhất nằm tại KCN Ninh Thủy vì ở đây mặt bằng sạch, đầy đủ cơ sở hạ tầng. Tỉnh đang đề xuất địa điểm để Bộ Công Thương quy định về quy hoạch. Việc quyết định về nguồn lực, quy hoạch trung tâm điện khí là do Chính phủ nhưng tỉnh đã sẵn sàng các vị trí cũng như tiềm lực để thực hiện" - ông Phi đánh giá.
Với các điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng thuận lợi, khu vực Nam Vân Phong được quy hoạch làm các khu công nghiệp để phát triển điện khí
Thu hút các nhà đầu tư Nhật, Mỹ
Theo Ban Quản lý KKT Vân Phong, dù chưa được trung ương thống nhất về quy hoạch điện khí tại khu vực Vân Phong nhưng hiện có khoảng 8 nhà đầu tư của các tập đoàn lớn trong nước và Nhật Bản, Mỹ đề xuất làm điện khí. Nguyên liệu khí hóa lỏng sẽ được nhập khẩu từ Mỹ, Nga là chủ yếu để đốt nhiên liệu chạy các tua bin phát điện. Khác với điện than, điện khí sạch như đốt gas, không có xỉ than, bụi.
Tại KCN Ninh Thủy hiện có 2 nhà đầu tư gồm: Công ty J-Power đề xuất nhà máy điện khí có công suất 3.000 MW; Tổ hợp các nhà đầu tư (Công ty CP Tập đoàn HBRE, Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2, Công ty CP Hoàn Cầu Vân Phong, Công ty TNHH PHOUSY Group) đề xuất xây dựng nhà máy điện khí LNG Ninh Thủy với công suất 1.500 MW, kết hợp với hệ thống chế biến và kho lạnh bảo quản nông hải sản.
Tại khu vực thôn Ninh Yển và đảo Mỹ Giang, xã Ninh Phước (vị trí thứ 3), trước đây có dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong có đến 4 nhà đầu tư đề xuất đầu tư, gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với nhà máy điện khí 6.000 MW trên diện tích khoảng 150 ha; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đề xuất kho khí với 3 triệu tấn LNG/năm, diện tích 50 ha trên đảo Mỹ Giang.
Đáng chú ý là Công ty Millennium, một tập đoàn lớn chuyên khai thác dầu mỏ của Mỹ, đề xuất nhà máy điện khí lên đến 14.400 MW và kho chứa khí lên đến 17 triệu tấn LNG/năm với tổng diện tích 360 ha. Liên danh nhà đầu tư Embark United và Tập đoàn QuanTum cũng của Mỹ đề xuất xây dựng nhà máy điện khí 6.000 MW và kho cảng tiếp nhận và xử lý LNG với 6 triệu tấn/năm trên tổng diện tích 300 ha.
Trong các lần tìm hiểu trước đây, Công ty Millennium đánh giá yếu tố về địa lý, KKT Vân Phong có cảng nước sâu, có thể tiếp nhận được tàu chở khí nặng 300.000 tấn. Đây là lợi thế mà các nơi khác không dễ có. Chỉ tính riêng việc làm cảng biển đã giảm chi phí hàng tỉ USD, bởi không phải nạo vét, tạo luồng như các địa phương khác.
Ưu tiên nhà đầu tư có tiềm lực
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua 4 địa điểm đã lựa chọn, UBND tỉnh sẽ đề xuất báo cáo Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, đưa vào Quy hoạch điện VIII; báo cáo Bộ Công Thương xem xét, ưu tiên lựa chọn các nhà đầu tư ở các nước phát triển, có năng lực tài chính, có kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nhà máy điện trên thế giới như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Bên cạnh đó, phải bảo đảm có nguồn cung về khí cho việc vận hành nhà máy điện khí và có khả năng tham gia đầu tư hệ thống truyền tải.
Bình luận (0)