Tại sự kiện Ngày Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức ở Hà Nội ngày 18-5, các ngân hàng và một số tổ chức trung gian thanh toán đã triển lãm trưng bày mô phỏng các sản phẩm dịch vụ nổi bật, tiêu biểu trong chuyển đổi số.
Nhiều khách hàng đã trải nghiệm các dịch vụ chuyển đổi số của ngành ngân hàng, trong đó có ứng dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chip trong số hoá giao dịch tại quầy.
Khách hàng đang sử dụng căn cước công dân gắn chip để mở tài khoản ngân hàng Agribank với thiết bị xác thực sinh trắc học kết nối dữ liệu dân cư. Ảnh: Dương Ngọc
Khách hàng có thể sử dụng căn cước công dân gắn chip, được thiết bị xác thực sinh trắc học (qua nhận diện gương mặt, vân tay) kết nối dữ liệu dân cư để mở tài khoản ngân hàng.
Đại diện NHNN cho biết Ngày chuyển đổi ngành ngân hàng năm 2023 với Chủ đề thông điệp "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số" khẳng định sự quyết tâm của ngành ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều,...).
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trên nhiều mặt sau 2 năm triển khai kế hoạch chuyển đổi số.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ trên nhiều mặt sau 2 năm triển khai kế hoạch chuyển đổi số.
Hiện nay, NHNN đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm sạch 25 triệu khách hàng thông tin tín dụng và phục vụ cho nhiều hoạt động nghiệp vụ khác. Các tổ chức tín dụng đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các công nghệ số tiên tiến như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy.... nhằm tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, cung ứng sản phẩm – dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao, phù hợp với nhu cầu, hành trình khách hàng.
Nhiều tổ chức tín dụng đã triển khai các giải pháp cho phép khách hàng mở tài khoản thanh toán dựa trên xác thực dữ liệu dân cư; cho phép định danh, xác minh thông tin khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID; làm sạch thông tin khách hàng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng, xác thực thông tin đa chiều bằng dữ liệu dân cư;…
Những kết quả này đã được minh chứng qua những thông tin nổi bật như: Nhiều ngân hàng có hơn 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỉ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới; khoảng 74,63% người trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 3,71 triệu tài khoản Mobile-Money đã được mở, trong đó hơn 70% được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Trao đổi bên lề sự kiện, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết ngân hàng đã phối hợp với C06 - Bộ Công an hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ CCCD gắn chip trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM và đã bước đầu cung cấp dịch vụ thử nghiệm tại một số chi nhánh.
Việc này mang lại rất nhiều tiện tích cho khách hàng, đơn cử sau này khách hàng đến giao dịch không cần nhiều giấy tờ, qua cổng xác thực với thẻ CCCD gắn chip sẽ phân luồng khách hàng vào các quầy nhanh chóng, giảm việc phải xếp hàng chờ đợi, chống giả mạo...
Bình luận (0)