Tại hội nghị triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 định hướng 2030 diễn ra ngày 10-9 tại Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN), cho biết để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, trong tháng 9 này, NHNN sẽ trình ban hành Thông tư, Nghị định liên quan đến Mobile Money, e-KYC, thanh toán quốc tế, đại lý ngân hàng, tiền điện tử.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng kỳ vọng ngay trong tháng 9-2020 này, NHNN sẽ trình được các Nghị định liên quan đến vấn đề lớn như: Mobile Money, e-KYC, thanh toán quốc tế, đại lý ngân hàng, tiền điện tử
Thúc đẩy tài chính toàn diện đang là chiến lược lớn của NHNN. Tuy nhiên, chiến lược tài chính toàn diện sẽ khó đạt mục tiêu nếu người dân không được mở tài khoản trực tuyến, không có hệ thống đại lý ngân hàng để làm điểm nạp và rút tiền... Cả nước hiện có 89 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, tương đương gần 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, hơn 30% khách hàng chưa có tài khoản còn lại là những khách hàng khó mở rộng, tiếp cận nhất, đây cũng là đối tượng rất cần tới tài chính toàn diện.
Việc phủ sóng tài chính toàn diện đang gặp nhiều khó khăn. Ví dụ, tại vùng sâu, vùng xa, nơi người dân sống xa chi nhánh ngân hàng đến cả trăm km và thu nhập chỉ 500.000 đồng/tháng thì không thể hy vọng họ sẽ bỏ chi phí nửa tháng thu nhập để đến chi nhánh mở tài khoản. Trong khi đó, việc mở rộng mạng lưới chi nhánh ngân hàng đến tận từng xã cũng rất khó.
Để tỉ lệ người có tài khoản ngân hàng tăng lên không phải là dễ nếu như không có các giải pháp đặc biệt, trong đó có việc tạo thuận lợi cho người dân mở tài khoản từ xa mà không phải đến ngân hàng để xác thực..
Xác định vấn đề e-KYC (xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử) là vấn đề nóng hiện nay, NHNN đang gấp rút hoàn thiện Thông tư hướng dẫn về định danh, xác thực khách hàng bằng phương thức điện tử (e-KYC), khả năng sẽ trình ban hành trong tháng 9 này.
Ông Dũng cho rằng e-KYC chính là "vé gửi xe" để mở rộng tài khoản cá nhân, cơ sở để thúc đẩy tài chính toàn diện. Nhiều người vẫn nói phải tăng số tài khoản ngân hàng nhưng vẫn bắt khách hàng đến quầy, vẫn phải có chữ ký tươi thì làm sao tăng được tài khoản, và khi người dân không có tài khoản ngân hàng thì không thể sử dụng dịch vụ sản phẩm của ngân hàng được. Do đó, việc người dân mở tài khoản bằng điện thoại di động cần phải được thúc đẩy sớm.
Với e-KYC, người dân có thể dùng điện thoại di động để mở tài khoản. Nếu như khách hàng mở tài khoản tại quầy thì không có giới hạn giá trị giao dịch, còn mở tài khoản e-KYC thì giới hạn giao dịch sẽ là 200 triệu đồng/tháng.
Ngoài mở tài khoản ngân hàng bằng điện thoại di động, khách hàng cũng có thể mở bằng phương thức video call với ngân hàng. Trường hợp khách hàng mở tài khoản bằng video call thì hạn mức giá trị giao dịch sẽ do ngân hàng xác định.
NHNN cũng lưu ý, thời gian qua vừa, cơ quan an ninh phát hiện nhiều trường hợp mượn chứng minh thư để mở tài khoản ngân hàng, vì vậy, NHNN cảnh báo các ngân hàng phải thận trọng, chỉ chấp thuận mở tài khoản qua e-KYC với khách hàng có số điện thoại đăng ký mở tài khoản trùng với điện thoại phù hợp với chứng minh thư người dùng để đảm bảo không có việc người này mở tài khoản nhưng người khác lại giao dịch..
Bên cạnh đó, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, một chính sách đặc biệt được dư luận quan tâm dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 9 này, theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, đó là việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile money)
Theo ông Dũng, nhiều ngân hàng lo sợ thị phần sẽ bị ảnh hưởng, thực tế, tài khoản ngân hàng và tài khoản Mobile Money không khác nhau về đặc tính kỹ thuật, điểm khác biệt là tài khoản Mobile Money chỉ là tài khoản thanh toán có giá trị nhỏ (hạn mức tối đa 10 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, các nhà mạng không phải là định chế tài chính nên tiền nạp vào Mobile Money không được cho vay mà phải nộp vào tài khoản ngân hàng. Việc ra đời tài khoản Mobile Money bên cạnh ví điện tử, tài khoản ngân hàng... sẽ tạo ra hệ thống tài khoản đa cấp độ, góp phần thúc đẩy tín dụng toàn diện.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng "Xu hướng hiện nay đang hướng tới ngân hàng không chi nhánh, giao dịch viên thành tư vấn viên, điều này cũng đang trở thành hiện thực tại Việt Nam. Tại hầu hết ngân hàng lớn, khách hàng giao dịch qua mạng nhiều hơn khách hàng đến giao dịch tại quầy. Tuy nhiên, để thúc đẩy tài chính toàn diện, có ba nội dung phải xử lý: e-KYC, điện toán đám mây, tín dụng cho khách hàng cá nhân".
Được biết, hiện nay ở nhiều ngân hàng, việc cấp một khoản vay cá nhân vẫn phải sử dụng đến 5 ứng dụng và 8 bước phê duyệt, có thể kéo dài hàng tuần trong khi một số ngân hàng (đơn cử như TPBank), việc cấp tín dụng cho khách hàng cá nhân có thể giải ngân chỉ trong vòng 20 phút đến 1 tiếng, hạn mức lên tới 5 tỉ đồng.
Bình luận (0)