Tuy nhiên, có một điều đáng lưu ý là có tới hơn 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam lần thứ 2. Thực trạng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó một phần là do tình trạng chèo kéo, làm phiền và thậm chí là "chặt chém" khách vẫn còn khá phổ biến tại nhiều trung tâm du lịch trên địa bàn cả nước.
Rất dễ thấy điều này ở ngay tại thủ đô Hà Nội. Từ nhiều năm nay, khách du lịch đến Hà Nội rất dễ gặp cảnh đi đến bất kỳ đâu, họ cũng bị bủa vây bởi một đội quân bán hàng rong và dịch vụ đủ mọi thể loại khác nhau. Đội quân này có thể phục vụ mọi du khách với mọi nhu cầu khác nhau trong những lúc du khách cần, hay thậm chí cả những lúc họ không cần mà vẫn đè ra để phục vụ.
Trong quá trình thực hiện phóng sự này, chúng tôi đã tình cờ gặp 2 du khách mới đến Hà Nội từ Đài Loan - Trung Quốc. Sáng nay thật không may họ đã bị mất ví khi tìm cách đi xe bus như người dân địa phương.
Trò chuyện thêm, họ cho biết, họ chỉ mới lên xe bút trong một thoáng chốc mà đã mất ví. “Xe đi một vòng bờ Hồ, chúng tôi mải ngắm cảnh quá, thế là không để ý gì cả. Đến lúc xuống xe thì mới chẳng thấy ví của mình đâu nữa”. Họ cũng cho biết thêm, họ cũng “đã đi một vòng và nhờ cảnh sát hỏi thăm hộ, nhưng không thấy đâu nữa rồi”.
Theo báo cáo của một doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội trong một hội nghị gần đây, chỉ riêng đơn vị này, hàng tháng thường xuyên nhận được thông báo có từ 5 đến 7 trường hợp khách du lịch Nhật Bản bị móc túi, thậm chí là cướp giật đồ cá nhân khi đến Việt Nam. Bên cạnh đó, nạn chặt chém cũng là một thực trạng đáng báo động của du lịch Việt Nam. Có những vụ khiến cho ai nghe thấy cũng phải giật mình như vụ gánh hàng rong “chém” khách tới 1 triệu đồng cho 4 miếng dứa ở Hồ Gươm.
Đánh giá về thực trạng này, ông Ian-Lyne, trưởng nhóm Tư vấn Chương trình năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và Xã hội – EU cho rằng, “tất cả những người tham gia vào hoạt động dịch vụ du lịch phải được giáo dục để họ hiểu du lịch là gì, khách du lịch cần gì, và làm sao để đáp ứng nhu cầu của họ một cách hoàn hảo nhất. Đó là điều rất cần phải được triển khai ngay từ bây giờ”.
Còn ông theo ông Vũ Thế Bình, phó chủ tịch hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiệp hội cũng có những cái khó riêng. “Thanh tra du lịch bây giờ không có riêng lại nằm trung với thanh tra văn hóa của bộ văn hóa nên không thể triển khai công tác thanh tra được”.
Cũng theo ông Bình, “phải thành lập lại lực lượng này và phối hợp với các địa phương thật tốt thì họ mới có thể triển khai công tác của họ một cách hiệu quả được”.
Một con số thống kê rất đáng lo ngại đã được đưa ra trong một báo cáo gần đây tại một hội nghị về giải pháp thúc đẩy du lịch. Theo đó, có tới từ 80 đến 85% khách du lịch quốc tế không quay trở lại Việt Nam sau lần đầu ghé thăm!
Đành rằng những người bán hàng rong hay làm dịch vụ nhỏ này chủ yếu đến từ các vùng quê và thường có cuộc sống vô cùng khó khăn, tất cả cũng chỉ vì mưu sinh. Tuy nhiên, nếu cứ để thực trạng này tiếp diễn, hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ đi đến đâu khi mà khách du lịch tiếp tục là những nạn nhân của chèo kéo, chặt chém, thậm chí là móc túi.
Bình luận (0)