Ngày 2-8, Bộ Công Thương cho biết cơ quan này đã ban hành Quyết định số 1514/QĐ-BCT ngày 1-8 áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Quyết định được ban hành trên cơ sở quá trình điều tra khách quan, minh bạch theo đúng các quy định pháp luật trong nước và phù hợp với các cam kết quốc tế. Những nội dung chính của kết luận điều tra cũng đã được gửi trước đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng như các doanh nghiệp (DN) để tham gia ý kiến.
Đánh thuế 47,64%
Theo Bộ Công Thương, trên cơ sở thu thập, tổng hợp thông tin và ý kiến do các bên liên quan cung cấp, bao gồm thông tin từ ngành sản xuất trong nước, các DN sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, DN nhập khẩu và từ các cơ quan chức năng, kết luận điều tra xác định việc sử dụng nguyên liệu đường có xuất xứ từ Thái Lan để sản xuất và xuất khẩu một số sản phẩm đường mía sang Việt Nam của các DN từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar là hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với sản phẩm đường của Thái Lan.
Do đó, để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và nông dân trồng mía thì đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào, Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan là 47,64% (trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%). Trường hợp đường nhập khẩu từ 5 quốc gia này nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại chỗ sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.
Bộ Công Thương cho biết biện pháp phòng vệ thương mại này sẽ có hiệu lực sau 7 ngày kể từ ngày được ban hành cho đến ngày 15-6-2026.
Kinh doanh đường cát trên đường Phan Văn Khỏe, quận 6, gần chợ sỉ Bình Tây (TP HCM). Ảnh: AN NA
Trước đó, kết quả điều tra của Bộ Công Thương cho thấy khối lượng đường xuất khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar sang Việt Nam đều tăng nhanh trong thời kỳ điều tra so với giai đoạn trước và nhập khẩu đường của 5 nước này từ Thái Lan trong cùng thời kỳ cũng có khối lượng lớn.
Cụ thể, tại thời điểm tháng 9-2020, tổng lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra chỉ bằng 17% so với lượng nhập khẩu từ Thái Lan. Tuy nhiên, từ thời điểm này, lượng nhập khẩu đã gia tăng liên tục theo từng tháng, đến tháng 8-2021, lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra đã gấp gần 10,4 lần ở mức hơn 92.100 tấn.
Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng có sự dịch chuyển, gia tăng nhanh và mạnh lượng nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra sau khi Bộ Công Thương tiến hành điều tra đối với hàng hóa bị điều tra có xuất xứ từ Thái Lan, nhất là thời điểm tháng 2-2021 - ngay trước khi Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời. Tính chung giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 8-2021, lượng đường nhập khẩu từ 5 quốc gia bị điều tra đã tăng mạnh với mức tăng thấp nhất là 129% cho tới hơn 13.900%.
Trái ngược với xu hướng này, lượng nhập khẩu đường xuất xứ Thái Lan bắt đầu giảm mạnh từ tháng 3-2021, với mức giảm tới 72%. Cơ quan điều tra cũng nhận thấy rất nhiều quốc gia không có vùng nguyên liệu trồng mía hoặc sản lượng hạn chế nhưng đang xuất khẩu số lượng lớn vào Việt Nam kể từ khi áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường Thái Lan.
Cần thêm sự hỗ trợ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bày tỏ phấn khởi với quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Dù vậy, ông đánh giá việc đánh thuế lẩn tránh thuế mới chỉ là thành công bước đầu, khó khăn chưa hẳn đã hết.
"Không ai đấu nổi với đường Thái Lan, vì ngành đường của họ được chính phủ hỗ trợ đầu vào rất nhiều, nói thẳng ra là trợ giá để bán phá giá nên không có quốc gia sản xuất mía đường nào có thể cạnh tranh được, ngay cả Mỹ và Trung Quốc. Do đó, nhiều nước đã phải dùng biện pháp phi thuế quan để tự vệ với đường của Thái Lan vốn có mức giá rẻ hơn cả giá mía" - ông Lộc thẳng thắn.
Đồng quan điểm, ông Võ Thành Đàng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, cho biết nhà máy đường của công ty được xem là hiện đại ngang tầm thế giới, hơn hẳn cả Thái Lan, với vốn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng (khoảng 300 triệu USD) nhưng vẫn không thể cạnh tranh với đường lậu từ Thái Lan do họ được trợ cấp.
"Nhà máy của chúng tôi có công suất hơn 18.000 tấn mía/ngày, các công đoạn đều được tự động hóa. Vùng nguyên liệu mía cũng được cơ giới hóa hoàn toàn từ khâu làm đất, gieo trồng, bón phân, tưới, thu hoạch, vận chuyển. Vùng nguyên liệu của chúng tôi có diện tích tới 30.000 ha, định hướng nâng lên 40.000 ha nhưng do đường lậu, gian lận thương mại nên thời gian qua đã thu hẹp còn 25.000 ha" - ông Đàng cho biết.
Để ngành đường trong nước tồn tại và phát triển, theo ông Đàng, cần có nhà nước tham gia vì ngành mía liên quan mật thiết với nông dân và phải làm sao để người trồng mía có lãi. Cụ thể, nhà nước có thể mở các trung tâm nghiên cứu giống để cung cấp giống có năng suất cao, chữ đường cao; đầu tư vào cơ sở hạ tầng như mở đường vào vùng nguyên liệu, hệ thống thủy lợi; đưa công nghệ vào trồng mía để tăng năng suất, hạ giá thành.
Ngoài ra, để cạnh tranh, các DN kinh doanh đường cũng cần phải đầu tư, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng với độ phủ rộng khắp, đóng gói, nhãn mác.
Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN-PTNT), những khó khăn của ngành mía đường khi hội nhập các ban, ngành đã nhìn ra và Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 14-7-2020 về việc triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Chỉ thị đã đặt ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách và toàn diện để tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường, tiến tới ổn định và đáp ứng các mục tiêu lâu dài trong phát triển.
Theo đó, quan điểm của Chính phủ về phương hướng phát triển ngành mía đường là chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém theo quy luật kinh tế thị trường; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường bảo đảm hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Thực tế, ngành mía đường Việt Nam vẫn có những lợi thế như: các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, DN và nông dân luôn quyết tâm giữ ổn định và phát triển mía đường; nhiều vùng có lợi thế đối với cây mía còn dư địa để tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng mía, giảm giá thành sản xuất đường.
Về thị trường, nhu cầu tiêu thụ đường trong và ngoài nước vẫn còn tăng cũng như tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm ngoài đường như: điện, phân bón, ethanol, thức ăn chăn nuôi... từ phụ phẩm mía đường.
Hiện Bộ NN-PTNT cùng các bộ, ngành tích cực triển khai các nhiệm vụ theo Chỉ thị 28 trên cơ sở vừa phát triển sản xuất, chế biến mía đường trong nước vừa bảo đảm lợi ích của người trồng mía. Về phía vùng trồng, đã tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng mía thông qua cải thiện năng suất, chất lượng mía nguyên liệu, giảm giá thành sản xuất đường thông qua giống mới chất lượng cao và quy trình canh tác tiến bộ. Kết quả niên vụ 2021-2022, giá mía và giá đường có tăng, sản xuất của các nhà máy được phục hồi.
Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng đã làm việc với các địa phương có lợi thế về trồng mía để ổn định vùng nguyên liệu, xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển HTX nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 1-8
Bình luận (0)