Mới đây, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) có văn bản cầu cứu khẩn cấp với mong muốn cơ quan chức năng ngăn chặn đường nhập lậu do có tình trạng bùng phát đường nhập lậu khiến ngành đường đứng trước nguy cơ xóa sổ.
Đường lậu bán tràn lan
Trưa 31-7, tại khu vực bán đường cát sỉ tại chợ đầu mối Bình Tây (quận 6, TP HCM) và cửa hàng kinh doanh bột đường ở khu vực lân cận sôi động nhất là giao dịch sỉ đường dạng cây, đựng trong túi giấy, trọng lượng 12 kg. Giá sỉ dao động từ 250.000 - 280.000 đồng/cây tùy theo loại. Giá bán không phân biệt xuất xứ mà chủ yếu dựa vào chủng loại và cách đóng gói.
Tại nhiều tiệm tạp hóa ở quận Bình Thạnh (TP HCM), đường lẻ loại có thương hiệu được bán 25.000 - 28.000 đồng/túi 1 kg; nếu khách mua loại đường xá, không nhãn mác thì rẻ hơn 1.000 - 2.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Phú Yên, phóng viên Báo Người Lao Động dạo một vòng các sạp hàng khô ở chợ Trung tâm TP Tuy Hòa hỏi mua đường sản xuất trong nước nhưng không có, trong khi đường Thái Lan được bày bán tràn lan. Một chủ sạp cho biết đường trong nước giá 18.200 đồng/kg; đường Thái Lan có chất lượng, mẫu mã không kém nhưng chỉ có giá 16.500 đồng/kg. "Bán không ai mua thì lấy về làm gì" - chủ sạp này cho hay.
Kinh doanh đường tại chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM) Ảnh: AN NA
Giới kinh doanh đường cho biết lượng đường bán trên thị trường tại các chợ, tạp hóa, loại không có bao bì nhãn mác toàn là đường nhập lậu. Đường được đóng gói, có nhãn mác cũng không chắc là đường trong nước sản xuất. Hiện tại, phần lớn các doanh nghiệp (DN) thương mại liên quan đến mặt hàng đường đều tham gia buôn bán đường lậu, "phù phép" đường lậu thành đường hợp pháp để tung ra thị trường thu lợi lớn.
Theo VSSA, trước năm 2020, để giấu xuất xứ Thái Lan, các đầu nậu thường thay bao bì gốc bằng bao bì các nhà máy đường trong nước hoặc đưa vào các cơ sở chế biến đường phèn khu vực biên giới trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Từ năm 2020, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Việt Nam cho phép nhập khẩu không giới hạn đường từ các nước ASEAN với mức thuế thấp (5%) nên đường Thái Lan nhập khẩu chính ngạch tăng đột biến. Do đó, đường nhập lậu nguồn gốc Thái Lan qua biên giới chỉ cần dán nhãn phụ lên bao bì là có thể lưu thông tự do vì rất khó phân biệt đâu là đường nhập khẩu chính ngạch và đâu là đường lậu.
Từ tháng 12-2021 đến nay, mua bán đường nhập lậu có diễn biến gia tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam sau khi biên giới được nới lỏng khi Covid-19 được kiểm soát. Tại các thị trường tiêu thụ, đặc biệt tại các thành phố lớn, mạng lưới phân phối đường nhập lậu hầu như hoạt động công khai dưới hình thức đường đóng cây 12 kg và đường đóng túi 1 kg của các cơ sở sang chiết đóng gói. Đường Thái Lan xuất hiện tràn ngập trên thị trường với giá rất rẻ. Đây là nghịch lý dễ thấy vì đường Thái Lan nhập chính ngạch đang phải chịu thuế phòng vệ thương mại (gồm chống phá giá chống trợ cấp) lên đến 47,64%.
Báo động gian lận thương mại, bán phá giá
Thông tin từ VSSA, trong năm 2021 có đến 500.000 - 600.000 tấn đường nhập, những tháng đầu năm 2022 cũng có khoảng 350.000 tấn đường lậu. Trước đây đường lậu chủ yếu tập trung ở khu vực miền Tây thì nay khu vực Bình Phước trở thành điểm nóng cho đường lậu xâm nhập. Đường nhập lậu khiến cho đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức DN phải bán dưới giá thành. Cho đến nay, vụ mía đã kết thúc nhưng rất nhiều nhà máy đang tồn kho đường không thể bán được và còn đang thiếu nợ tiền mía của nông dân.
Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa (tỉnh Phú Yên), cho biết huyện mía này vừa khép lại niên vụ mía được mùa, được giá nhất trong 3 năm qua với giá bán 1,2 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường, cao hơn niên vụ trước 150.000 đồng/tấn. Đây là nỗ lực lớn của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam khi mua mía của người dân nhằm ổn định vùng nguyên liệu trong khi đầu ra đang khó khăn.
Ông Trương Đình Cư, Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, thừa nhận dù công ty này có khách hàng truyền thống và đã ký kết hợp tác nhưng vẫn gặp khó, sức tiêu thụ chậm so với các năm trước do các công ty tiêu thụ đường lớn trong nước nhập đường để về sản xuất. Theo ông Cư, đường Thái Lan nhập sang Việt Nam hiện nay chủ yếu bằng con đường lẩn tránh. Nếu đường từ Thái Lan nhập thẳng qua Việt Nam sẽ phải chịu thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nên đi vòng qua các nước như Indonesia, Malaysia, Philippines, Lào, Campuchia rồi xuất chính ngạch vào Việt Nam.
Thông tin từ VSSA cho thấy trong năm 2021 lượng đường nhập từ 5 nước trên lên đến 1,4 triệu tấn; 5 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng 600.000 tấn được nhập về. "Đây là một hình thức gian lận thương mại nhằm phá giá bởi xuất khẩu nhưng lại dưới giá hàng bán nội địa và dưới cả giá thành sản xuất. Họ trợ giá để xuất khẩu nhằm phá giá đường Việt Nam. "Nếu không kịp thời ngăn chặn bước đi này thì đường Thái Lan sẽ tràn vào và tiếp tục giết ngành đường Việt Nam" - ông Cư nói.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, phản ánh hiện đường Thái Lan đang nhập sang Việt Nam theo con đường lẩn tránh bán phá giá và đang gây nhiều khó khăn cho các nhà máy đường và cả nông dân. "Tình trạng này trước đây đã xuất hiện gây điêu đứng cho ngành mía đường, giờ lại tái diễn, nếu không ngăn chặn sẽ tiếp tục gây khó" - ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Đình Chiến, Trưởng Phòng Nguyên liệu Công ty CP Mía đường Tuy Hòa, gọi đó là nỗi đau của các nhà máy đường trong nước khi bị đường Thái Lan bán phá giá. Hiện không chỉ Nhà máy Đường Tuy Hòa, tiêu thụ của các nhà máy đường trong nước đều khó bán hàng vì giá cao hơn đường ngoại.
"Bây giờ không làm mạnh tay, làm ráo riết thì ngành đường Việt Nam sẽ chết. Mà ngăn chặn đâu phải khó. Một số nước không sản xuất đường, không có đường tiêu thụ thì có đâu xuất khẩu sang Việt Nam. Vậy mà cứ xuất đường sang Việt Nam với giá rẻ mạt thì không phá giá còn là gì" - ông Chiến đặt vấn đề.
Hợp thức hóa việc kinh doanh đường lậu?
Ông T., chuyên kinh doanh đường tại TP HCM, cho biết đường lậu trước đây khi vận chuyển qua biên giới sẽ được tập kết về các kho ở những địa phương giáp biên, một số được tập kết thẳng về khu vực giáp ranh các thành phố lớn, trong đó chủ yếu là TP HCM. Hiện nay mạng xã hội, internet phát triển mạnh nên giới buôn lậu tối ưu hóa khâu vận chuyển logistics; người mua, kẻ bán phần lớn giao nhận hàng trực tiếp chứ không cần qua kho như trước. "Đường lậu từ Thái Lan có hạt nhỏ hơn đường trong nước sản xuất, chỉ cần nhìn hạt đường sẽ dễ dàng nhận biết đâu là đường lậu nhưng vẫn không thể xử lý được. Nguyên nhân là do đường lậu sau khi bị kiểm tra, tịch thu sẽ được địa phương cho phép bán đấu giá ra bên ngoài. DN đấu thầu thành công sẽ được bán đường lậu này ra thị trường và có đầy đủ hóa đơn chứng từ nhờ từ tham gia đấu thầu. Khi đã có bộ chứng từ này, họ có thể sử dụng nhiều lần, quay vòng liên tục mà không phải lo ngại bị kiểm tra xử lý" - ông T. giải thích.
Gần 70% nhà máy đường thua lỗ
VSSA thông tin: Đến ngày 15-7, ngành đường Việt Nam đã kết thúc vụ ép với hơn 7,5 triệu tấn mía được ép, sản lượng gần 742.000 tấn đường, tăng gần 12% lượng mía và 7,5% lượng đường. Vụ sản xuất đường mía 2021-2022, chỉ có 25/41 nhà máy đường hoạt động, 16 nhà máy đã buộc phải đóng cửa. Trong 25 nhà máy còn hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ (chiếm gần 70%) khiến cho khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và khoảng 100.000 hộ nông dân trồng mía buộc phải chuyển sang cây trồng khác.
Trong khi vụ mía đường vừa qua, các nhà máy sản xuất được 750.000 tấn đường nhưng chỉ tiêu thụ được 50%, số còn lại gần 400.000 tấn phải nằm trong kho. Giá thành sản xuất đường trong nước khoảng 18.000 đồng/kg, trong khi giá đường lậu bán trên thị trường từ 16.000-16.500 đồng/kg, còn đường nhập chính ngạch khoảng 17.000 đồng/kg. "Nhu cầu tiêu thụ đường trong nước khoảng 2,2 triệu tấn/năm, đường nhập chính ngạch và đường lậu chiếm khoảng 2 triệu tấn, giá lại thấp hơn thì đường trong nước cạnh tranh thế nào được" - đại diện VSSA bức xúc.
(còn tiếp)
Bình luận (0)