Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trước đây đường lậu chủ yếu tập trung ở khu vực biên giới Tây Nam thì nay khu vực Bình Phước trở thành điểm nóng cho đường lậu xâm nhập. Tuy vậy, báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Phước cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2022, các lực lượng trên địa bàn chỉ bắt trên 5.000 kg đường nhập lậu từ Campuchia qua địa bàn.
Kiểm soát biên giới
Ông Vũ Sao Sáng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Phước, cho biết do đặc thù của tỉnh Bình Phước có biên giới đường bộ dài với rất nhiều đường mòn, lối mở và liên thông với các tỉnh lân cận như Tây Ninh, Đắk Nông - những tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia, là điều kiện thuận lợi đối với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Các đối tượng tiếp tục sử dụng phương thức, thủ đoạn tinh vi, chia nhỏ để mang vác, vận chuyển; lợi dụng đêm tối và những khu vực ngoài phạm vi kiểm soát của các lực lượng chức năng để tập kết hàng lậu, chờ thời cơ thuận lợi vận chuyển hàng hóa vào sâu nội địa tiêu thụ. Nếu bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, các đối tượng thường bỏ lại hàng hóa, phương tiện.
Để hạn chế tiến tới ngăn chặn hoàn toàn đường lậu qua biên giới, thời gian tới, các lực lượng chức năng của tỉnh Bình Phước như: Bộ đội Biên phòng, Công an, Hải quan, QLTT sẽ tăng cường cán bộ trong công tác quản lý địa bàn, sự phối hợp chặt chẽ và triển khai các biện pháp nghiệp vụ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm ở khu vực tuyến biên giới và nội địa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kiên quyết xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể thiếu tinh thần trách nhiệm tiếp tay cho buôn lậu xảy ra trên tuyến, địa bàn phụ trách. Đồng thời tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức để thuyết phục các đối tượng không tiếp tay hoặc trực tiếp vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới và có hướng hỗ trợ, hướng dẫn cho những cư dân có kinh tế đặc biệt khó khăn.
Trong khi đó, các địa phương từng là điểm nóng về hàng lậu ở khu vực biên giới Tây Nam trước đây như An Giang, Đồng Tháp và Long An thời gian qua đã tăng cường các biện pháp chống buôn lậu nên đã chặn đứng nhiều vụ nhập lậu đường từ Campuchia vào Việt Nam.
Toàn tuyến biên giới An Giang dài gần 100 km, hiện có đến hơn 200 tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới. Riêng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên quản lý đường biên giới dài gần 10 km có hơn 20 chốt cố định đóng ven biên giới giáp Campuchia và 4 tổ tuần tra để phòng chống buôn lậu.
"Tại khu vực biên giới huyện Tịnh Biên hiện nay, chúng tôi ngăn chặn hiệu quả việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa sang biên giới. Việc tăng cường công tác tuần tra và nắm tình hình đã giúp chúng tôi tổ chức bắt được nhiều đối tượng có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa sang biên giới. Riêng việc buôn lậu đường cát, tính từ đầu năm đến nay, trên khu vực do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên quản lý thì hầu như không có. Đó là nhờ hiệu quả của việc bố trí các chốt đóng dọc tuyến biên giới" - lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên nhận định.
Ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó Cục trưởng Cục QLTT An Giang, khẳng định việc buôn lậu đường cát trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể. Hiện nay đường cát vào An Giang chủ yếu qua đường chính ngạch tại các cửa khẩu Long Bình, Tịnh Biên và Vĩnh Xương.
Một cán bộ Bộ đội Biên phòng tỉnh Đồng Tháp cho hay: "Do nắm được cách thức hoạt động của dân buôn lậu nên chúng tôi tổ chức ngăn chặn rất hiệu quả. Tuy nhiên, để bắt được đối tượng vận chuyển hàng lậu là rất khó, vì lo sợ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên khi gặp cơ quan chức năng, đa số các đối tượng đều sẵn sàng bỏ lại hàng hóa để chạy thoát thân".
Việc thường xuyên tăng cường kiểm tra, giám sát đã phần nào làm "hạ nhiệt" tình trạng buôn lậu đường cát tại Đồng Tháp. Ông Nguyễn Minh Trung, Cục trưởng Cục QLTT Đồng Tháp, cho biết trên địa bàn có vài vụ buôn lậu đường cát nhưng chỉ là số lượng nhỏ. "Chúng tôi đang triển khai kiểm tra, kiểm soát rất chặt vấn đề buôn lậu đường cát. Hoạt động này chúng tôi thực hiện xuyên suốt chứ không riêng mùa nước nổi mới làm" - ông Trung nói.
Đường cát nhập lậu bị thu giữ ở Long An Ảnh: HÀ LONG
Tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần
Đại diện các doanh nghiệp (DN) và người trồng mía, VSSA cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm soát các tuyến biên giới Campuchia và Lào cùng các địa bàn trọng điểm trong nội địa để kịp thời phát hiện các đối tượng buôn lậu, nhất là đối tượng có vai trò chủ mưu để xử lý theo quy định. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ các DN, đại lý kinh doanh mặt hàng đường trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại đường nhập lậu.
"Hoạt động thương mại phân phối đường tại các thị trường tiêu thụ tương đối đặc thù và tập trung vào một số giới hạn các cơ sở kinh doanh có liên quan đến hoạt động của các đầu nậu phân phối đường lậu. Do đường là loại hàng hóa thực phẩm thiết yếu nên không khó để phát hiện các đối tượng đang thực hiện hành vi tiêu thụ đường nhập lậu tại các địa phương. Các cơ quan QLTT, cơ quan công an kinh tế cần tiến hành ngay việc điều tra các hành vi phạm pháp để đưa ra pháp luật nghiêm trị một số đối tượng nhằm răn đe" - VSSA kiến nghị.
Ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký VSSA, chỉ ra thêm một vấn đề cần sớm khắc phục trong công tác phòng chống đường lậu hiện nay chính là hệ thống pháp luật chưa thể đối phó hữu hiệu. Cụ thể, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với buôn lậu đường thời gian qua gần như không có tác dụng, không đủ sức răn đe nên đường lậu vẫn hoành hành.
Do đó, cần phải tăng mức xử phạt lên gấp nhiều lần, phải nhanh chóng có giải pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, lẩn tránh. Đồng thời củng cố lại hệ thống chống gian lận thương mại, trong đó có giải pháp về xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho cả đường nội và đường ngoại nhập để có cơ sở xử lý hiệu quả hơn.
Ở góc độ khác, PGS-TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAA), cho rằng điểm bất lợi của ngành mía đường Việt Nam là ở gần Thái Lan, một nước sản xuất đường với giá rẻ nhờ được chính phủ đầu tư mạnh về khoa học - công nghệ cũng như hỗ trợ tín dụng (Bộ Công Thương đã xác định đường Thái Lan có hành vi bán phá giá và trợ cấp và đang bị áp thuế bổ sung 47,64% đối với hàng nhập chính ngạch - PV). Do đó, bên cạnh các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại cần có chính sách thúc đẩy ngành đường trong nước phát triển.
Theo PGS-TS Đào Thế Anh, để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành mía đường trong nước, cần đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm giá thành nguyên liệu, thực tế một số DN lớn của Việt Nam đã làm được và thành công. Các DN cần năng động hơn, phát triển đa dạng sản phẩm, bên cạnh sản phẩm chính là đường để tăng doanh thu như: sản xuất ethanol, ván ép, phân bón… từ bã mía; cần ứng dụng kinh tế tuần hoàn để gia tăng giá trị.
Xu hướng trong thời gian tới là giá đường phải giảm xuống nhưng DN tăng thu nhập nhờ sản phẩm khác. Thái Lan, Trung Quốc đều đã rất mạnh mảng này nên có giá bán đường rẻ. Dù có chính sách hỗ trợ ngành mía đường nhưng chỉ nên tập trung trồng mía ở những vùng có lợi thế, có khả năng cơ giới hóa, còn lại các địa phương nên mạnh dạn bỏ quy hoạch trồng mía ở vùng đất đồi để người dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.
Phải xử lý nghiêm
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát. Theo đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công an, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành làm rõ những thông tin phản ánh của VSSA, đấu tranh triệt phá các đường dây buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát qua biên giới để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới cửa khẩu, thị trường nội địa để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng này.
Lãnh đạo Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng QLTT phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các DN, đại lý trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, sản xuất, lưu kho, vận chuyển để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả hành vi gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát; đồng thời nghiên cứu, xử lý những kiến nghị của VSSA liên quan đến sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, nhất là chế tài xử lý hành vi gian lận thương mại đối với mặt hàng này theo quy định của pháp luật.
Bình luận (0)